Đăng nhập

Kênh đào Suez đối mặt "nguy cơ kép"

00:00
00:00
00:00
VOH - Tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới – Kênh đào Suez – đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng do căng thẳng địa chính trị tại khu vực và chính sách thuế mới từ Mỹ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo gần đây, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cảnh báo, các mức thuế quan mới mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khối lượng thương mại toàn cầu, từ đó giảm mạnh lưu lượng hàng hóa qua Kênh đào Suez – nơi vốn có tỷ trọng lớn hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Rabie cho biết, SCA đang theo dõi sát sao các diễn biến trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có khối lượng hàng hóa vận chuyển lớn nhất qua Kênh đào, nên bất kỳ sự sụt giảm thương mại nào cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của Ai Cập từ tuyến đường thủy này.

174830-ai-cap-kenh-dao-suez-hoat-dong-binh-thuong-bat-chap-cang-thang-o-bien-doXem toàn màn hình

Tuy nhiên, đó chưa phải là mối lo duy nhất. Ông Rabie cho biết Kênh đào Suez cũng đang hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng do tình hình an ninh tại khu vực Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab, đặc biệt là các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen từ cuối năm 2023.

Theo thống kê của SCA, doanh thu của Kênh đào Suez năm 2024 chỉ đạt khoảng 3,99 tỷ USD, giảm sâu so với mức kỷ lục 10,25 tỷ USD của năm 2023, tương đương mức sụt giảm hơn 60%. Ước tính thiệt hại trực tiếp đã vượt 7 tỷ USD trong năm qua.

Lý do chính là nhiều hãng vận tải biển lớn đã phải thay đổi lộ trình, tránh khu vực Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab vì lo ngại an ninh, thay vào đó đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), khiến thời gian vận chuyển kéo dài và chi phí tăng cao.

Tuy nhiên, ông Rabie kỳ vọng hoạt động sẽ dần được phục hồi vào cuối năm 2025 và trở lại bình thường từ tháng 6/2026, nếu tình hình an ninh được cải thiện và các hãng vận tải nối lại hành trình qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly khẳng định, Cairo vẫn đang kiên trì theo đuổi giải pháp chính trị để giải quyết khủng hoảng khu vực, đồng thời duy trì vai trò là lực lượng ổn định tại Trung Đông. Ông cam kết sẽ không có bất kỳ hành động nào làm suy yếu an ninh khu vực, đồng thời tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm đảm bảo hoạt động liên tục và an toàn của Kênh đào Suez.

Kênh đào Suez, với vai trò là tuyến vận tải nối liền châu Á và châu Âu, vận chuyển khoảng 12-15% tổng thương mại toàn cầu, đang đứng trước bài toán khó chưa từng có: vừa phải ứng phó với rủi ro an ninh khu vực, vừa phải chống chọi với sự phân hóa chuỗi cung ứng toàn cầu do các cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cảnh báo, nếu không có giải pháp kịp thời và hiệu quả, thế giới có thể chứng kiến làn sóng gián đoạn vận tải biển diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả, chuỗi cung ứng và tăng trưởng toàn cầu trong những năm tới.

 
Bình luận