Theo nguồn tin y tế, ít nhất 10 người biểu tình đã thiệt mạng và 50 người bị thương do trúng đạn. Nhiều khu vực của tòa nhà bị phóng hỏa.
Những người biểu tình kêu gọi Quốc hội ngừng hoạt động cũng như các nghị sỹ phải từ chức. Ngoài Nairobi, các cuộc biểu tình và đụng độ cũng nổ ra tại một số thành phố và thị trấn khác trên khắp Kenya.
Cùng ngày, Quốc hội Kenya đã thông qua dự luật thu thêm 2,7 tỷ USD tiền thuế các loại. Dự luật sẽ được trình lên Tổng thống William Ruto để ký.
Các cuộc biểu tình tại Kenya bắt đầu từ ngày 18/6, trước khi lan rộng trên toàn quốc vào ngày 20/6. Những người biểu tình phản đối việc chính phủ dự định thu thêm thuế để giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ vay.
Chính phủ Kenya đã đưa ra một số nhượng bộ, cam kết bãi bỏ các loại thuế mới được đề xuất đối với bánh mì, dầu ăn, ôtô và các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để xoa dịu những người biểu tình.
Kenya đang phải vật lộn để đối phó với một số vấn đề kinh tế do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine, hạn hán 2 năm liên tiếp và đồng nội tệ mất giá.
Việc tăng thuế sẽ gây thêm áp lực cho người dân Kenya, bởi những công việc được trả lương cao vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người trẻ.
Cơn tức giận về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Kenya đã bùng phát thành các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Cơ quan Giám sát Chính sách Độc lập và các nhóm nhân quyền cho biết hai người đã chết sau các cuộc biểu tình ngày 20/6 ở Nairobi.
Kenya là một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Phi nhưng 1/3 trong 52 triệu dân nước này hiện sống trong nghèo đói.