Tại cuộc họp ngày 13/7, do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập, Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Jeffrey DeLaurentis nhấn mạnh “Mỹ lên án, bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất, với vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngày 12/7 của Triều Tiên”. Nêu bật tình hình đáng báo động khi trong năm nay Triều Tiên đã phóng 20 tên lửa đạn đạo, trong đó có 4 ICBM.
Hội đồng Bảo an triệu tập cuộc họp theo đề nghị từ Mỹ, Albania, Pháp, Nhật Bản, Malta và Anh, sau khi Triều Tiên tuyên bố thử ICBM thế hệ mới Hwasong-18.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song cho biết nước này kiên quyết phản đối và lên án việc triệu tập họp Hội đồng Bảo an của Mỹ và những nước theo sau. Ông Kim nói thêm rằng việc Triều Tiên phóng ICBM là đang thực hiện quyền tự vệ “nhằm răn đe những động thái quân sự nguy hiểm của các thế lực thù địch và bảo vệ an ninh quốc gia”.
Đây là lần đầu tiên đại diện Triều Tiên lên tiếng tại Hội đồng Bảo an về chương trình tên lửa kể từ tháng 12/2017.
Nga và Trung Quốc cùng cáo buộc hành động của Mỹ và các đồng minh khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân cho biết Trung Quốc vẫn lưu ý vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, nhưng cũng lo ngại các đợt triển khai vũ khí chiến lược “của một quốc gia nào đó” để thực hiện các hoạt động quân sự ở bán đảo Triều Tiên.
Đại sứ Trung Quốc chỉ trích Mỹ cùng các quốc gia khác luôn coi Triều Tiên là mối đe dọa an ninh, và bị ám ảnh với việc gây áp lực. Điều này gây ra áp lực cho Triều Tiên trong khi những mối lo chính đáng của Triều Tiên chưa được giải quyết.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Anna Evstigneeva nói bên cạnh chú ý đến việc Triều Tiên phóng tên lửa, cần lưu tâm thêm hành động của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, những bên đang tiếp tục tăng cường quy mô tập trận và hợp tác quân sự, hành động mà các quốc gia này gọi là tăng cường răn đe.
Các thành viên Hội đồng Bảo an thời gian qua vẫn khó “hòa hợp” trong bàn giải pháp ứng phó vấn đề Triều Tiên. Sự đối đầu giữa các bên thể hiện qua việc Mỹ thường xuyên cáo buộc Nga và Trung Quốc sử dụng vị thế là thành viên thường trực để phủ quyết các dự thảo nghị quyết tăng trừng phạt với Triều Tiên sau các vụ phóng tên lửa.
Trong khi Nga và Trung Quốc cho rằng tăng cường lệnh trừng phạt không phải là biện pháp thích hợp và muốn nới lỏng chúng vì mục đích nhân đạo và khuyến khích Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán quốc tế.