Núi lửa Nyiragongo cao 3.000 mét, nằm ở phía đông Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo; là một trong những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất châu Phi, có hồ dung nham sôi sục bên trong miệng hố ở đỉnh núi.
Vụ phun trào vào ngày thứ Bảy cuối tuần trước của núi lửa Nyiragongo là hệ quả của cơn địa chấn trước đó. Dung nham của núi lửa lan xuống triền núi, hướng về phía thành phố Goma - siêu đô thị ở cách đó chỉ 9 km với 1,5 triệu cư dân và đã khiến ít nhất 31 người thiệt mạng, phá hủy 3.000 ngôi nhà và làm gián đoạn hệ thống giao thông trong khu vực.
Ngày 27/5, khi chính phủ CHDC Congo đã ban hành cảnh báo núi lửa Nyiragongo có khả năng phun trào trở lại, hàng ngàn người dân thành phố Goma bắt đầu sơ tán.
Hiện nhà chức trách đang theo dõi sát tình hình, đề phòng có thay đổi bất ngờ, đồng thời khẳng định cần sơ tán người dân một cách bình tĩnh, không vội vàng.
Nhiều người dân đã di chuyển đến thị trấn Sake nằm cách Goma 20 km về phía tây bắc. Tuy nhiên, theo quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch tả, đặc biệt đối với CHDC Congo - một quốc gia còn tồn tại nhiều vấn đề như bạo lực, nghèo đói, mất an ninh lương thực và các dịch vụ cơ bản còn yếu kém.
“Với rủi ro bùng phát dịch tả ngày càng cao, chúng tôi đang kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp từ quốc tế để ngăn chặn một thảm họa có thể xảy ra cho trẻ em”, đại diện UNICEF tại Congo - Edouard Beigbeder cho biết.
Mặt khác, UNICEF cảnh báo nếu không có nguồn tài trợ kịp thời và đầy đủ, cơ quan này và các đối tác sẽ không thể cung cấp các dịch vụ thiết yếu, đáp ứng nhu cầu nhân đạo cấp thiết của gần 3 triệu trẻ em ở CHDC Congo và gia đình các em; đồng thời bảo vệ và thúc đẩy quyền của trẻ em. Năm 2021, UNICEF kêu gọi tài trợ gây quỹ hỗ trợ nhân đạo khoảng 384,4 triệu USD cho CHDC Congo, nhưng chỉ nhận được 11% trong số đó.
Ông Beigbeder nhấn mạnh nếu không có sự can thiệp nhân đạo bền vững, hàng nghìn trẻ em CHDC Congo sẽ chết vì suy dinh dưỡng hoặc bệnh tật và những người phải di dời sẽ không nhận được các dịch vụ cứu sinh cơ bản.
Trở lại núi lửa Nyiragongo, hai vụ phun trào gần đây của ngọn núi này đều là thảm họa, diễn ra vào năm 1977 và 2002. Năm 1977, ước tính khoảng 600 - 2.000 người tử vong bởi dòng dung nham. Năm 2002, nham thạch phá hủy 1/5 Goma, đẩy 120.000 người rơi vào cảnh mất nhà và 250 người chết vì ngạt thở, kéo theo một trạm xăng phát nổ.
Những thảm họa trong quá khứ khiến các nhà núi lửa học lo ngại mỗi khi Nyiragongo có dấu hiệu hoạt động. Sự nguy hiểm chết người của Nyiragongo là kết quả từ nhiều yếu tố. Do tính chất phức tạp của địa chất khu vực, dung nham từ ngọn núi đặc biệt lỏng, có thể di chuyển với tốc độ lên tới 64 km/h. Những vụ phun trào cũng có thể sản sinh lượng lớn khí CO2 độc hại. Điều đó vô cùng đáng ngại bởi hàng triệu người sinh sống ở gần ngọn núi.
Do bất ổn chính trị và xung đột trong vùng, Nyiragongo rất khó theo dõi. Bất chấp nỗ lực của Đài quan sát núi lửa Goma, thành lập năm 1986, các nhà nghiên cứu không phát hiện dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nào trước vụ phun trào gần đây nhất. Do tất cả yếu tố trên, ngọn núi có thể tạo ra vụ phun trào đáng sợ, theo Corentin Caudron, nhà núi lửa học ở Viện Khoa học Trái Đất tại Grenoble, Pháp.