Khủng hoảng tại Sri Lanka khó đi đến hồi kết trong ngắn hạn

(VOH) - Khi tuyên bố nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ, Thủ tướng Wickremesinghe nói cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước này sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023.

Tình hình tại Sri Lanka những ngày qua rơi vào bất ổn. Đầu tiên là việc Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tuyên bố nền kinh tế nước này đã sụp đổ và đang trong tình trạng vỡ nợ do không còn đủ nguồn lực để nhập khẩu các nhu yếu phẩm và chi trả các khoản nợ nước ngoài. Sau đó, Thủ tướng Wickremesinghe và Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lần lượt thông báo sẽ từ chức.

Người biểu tình tràn vào dinh thự tổng thống Sri Lanka. (Ảnh: Reuters)
Người biểu tình tràn vào dinh thự Tổng thống Sri Lanka. (Ảnh: Reuters)

Giới phân tích cho rằng, tình hình tại Sri Lanka hiện nay có liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài gần một năm qua tại nước này. Sau khi thủ tướng và tổng thống từ chức, Sri Lanka có thể bước vào một thời kỳ bất ổn, và cuộc khủng hoảng khó có thể dịu bớt trong một thời gian ngắn.

Ngày 9/7, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Colombo, thủ đô của Sri Lanka. Những người biểu tình đã phá rào chắn và xông vào dinh thự tổng thống, yêu cầu ông Rajapaksa từ chức. Cùng ngày, một số người biểu tình cũng xông vào tư dinh của Thủ tướng Wickremesinghe và phóng hỏa.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Wickremesinghe đã triệu tập một cuộc họp khẩn vào chiều ngày 9/7. Tại cuộc họp, lãnh đạo của hầu hết các đảng phái chính trị đã yêu cầu cả tổng thống và thủ tướng từ chức, đồng thời sớm thành lập một chính phủ lâm thời có đại diện của các bên. Sau đó, ông Wickremesinghe bày tỏ sẵn sàng từ chức để mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Buổi tối cùng ngày, truyền thông Sri Lanka dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena cho biết Tổng thống Rajapaksa đã thông báo với ông rằng ông ấy sẽ từ chức vào ngày 13/7. 

Ngày 10/7, một số bộ trưởng trong chính phủ đương nhiệm Sri Lanka cũng tuyên bố từ chức. Cùng ngày, các đảng đối lập đã nhóm họp nhằm đạt được nhất trí về việc thành lập chính phủ mới.

Các nhà phân tích cho rằng tình hình tại Sri Lanka hiện nay vẫn "rất bất ổn", liệu khoảng trống quyền lực được tạo ra sau khi tổng thống và thủ tướng từ chức sẽ được lấp đầy như thế nào, và liệu chính phủ lâm thời có được thành lập một cách thuận lợi và được quốc hội và người dân công nhận hay không, tất cả vẫn còn phải chờ quan sát thêm.

Theo Hiến pháp Sri Lanka, sau khi tổng thống và thủ tướng từ chức, Chủ tịch Quốc hội Abeywardena sẽ đảm nhiệm vị trí tổng thống lâm thời trong thời gian không quá 30 ngày, và quốc hội Sri Lanka sẽ bầu ra tổng thống mới để đảm nhiệm phần còn lại của nhiệm kỳ.

Trước đó, khi tuyên bố nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ, Thủ tướng Wickremesinghe nói cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước này sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023.

Về lâu dài, để thoát khỏi hoàn toàn cuộc khủng hoảng kinh tế, Sri Lanka cần phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và giảm sự phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài.

Bình luận