Sri Lanka rơi vào khủng hoảng: Thiếu hụt điện, nhiên liệu, thực phẩm kéo dài

(VOH) - Sau khi bất chấp lệnh giới nghiêm và việc bị chặn nhiều trang mạng xã hội, các cuộc biểu tình ở Sri Lanka vẫn tiếp tục diễn ra để yêu cầu Tổng thống Rajapaksa và gia tộc của ông từ chức.

Tuy nhiên, vị tổng thống đương nhiệm vẫn kêu gọi sự đoàn kết dân tộc. Điều này đã gây ra sự phản đối tại đất nước 22 triệu dân vốn đang trong tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu, thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men, mất điện và lạm phát kỷ lục. Nó cũng gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng vào quyền hành pháp kể từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm hoạt động du lịch.

Tình trạng hỗn loạn thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn vào cuối tuần trước ở Sri Lanka. Vào tối thứ Bảy 2/4, hàng nghìn người đã bất chấp tình trạng khẩn cấp cũng như lệnh giới nghiêm kéo dài 36 giờ (đến sáng ngày 4/4), do Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ra quyết định hôm 1/4, bằng cách biểu tình ôn hòa ở một số thành phố và thị trấn trên khắp cả nước, theo thông tin từ cảnh sát và người dân. Với lệnh giới nghiêm này, chính phủ mong muốn ngăn chặn các phong trào biểu tình đã manh nha từ cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng mà cả nước đã trải qua trong nhiều tháng.

Sri Lanka rơi vào khủng hoảng : Thiếu hụt điện, nhiên liệu, thực phẩm kéo dài 1
Biểu tình tiếp diễn bất chấp lệnh giới nghiêm tại Sri Lanka. Ảnh: Reuters

Tình hình ở đất nước 22 triệu dân này tiếp tục trở nên tồi tệ hơn kể từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, sau đó một đòn giáng khác vào ngành du lịch là vụ tấn công chết người vào tháng 4/2019. Việc giảm sút các hoạt động du lịch khiến nước này mất đi một nguồn thu ngoại tệ thiết yếu từ nước ngoài, gây ra tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men, chưa kể việc cắt giảm điện liên tục (có khi lên đến 10 giờ/ngày) và lạm phát gia tăng kỷ lục. 

Chặn mạng xã hội để giảm sự leo thang của các cuộc biểu tình

Hôm Chủ nhật 3/4 vừa rồi, các cuộc biểu tình được ủng hộ bởi hàng chục nghị sĩ của phe đối lập tiếp tục diễn ra. Các nghị sĩ đã tập trung trước tư dinh của thủ lĩnh phe đối lập là ông Sajith Premadasa trước khi tiến về một trong những quảng trường của thủ đô Sri Lanka.

Kênh thông tin Chính phủ Ada Derana dẫn lời cơ quan quản lý truyền thông ở Sri Lanka, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet "tạm thời hạn chế" quyền truy cập vào các mạng xã hội.

26 Bộ trưởng và Thống đốc ngân hàng trung ương từ chức

Vào đêm 3/4 đến rạng sáng 4/4, 26 bộ trưởng (ngoại trừ Tổng thống và anh trai của ông là Thủ tướng Mahinda Rajapaksa) đã trình đơn từ chức trong một cuộc họp sau khi nhận thấy sự thất bại của lệnh giới nghiêm.

Ngày 4/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương cũng xin từ chức ngay khi thị trường chứng khoán Colombo tạm dừng giao dịch vài giây trước khi mở lại, với chỉ số của các cổ phiếu chủ lực đã giảm gần 6% trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế chính trị nghiêm trọng.

Tổng thống đương nhiệm đề xuất một chính phủ đoàn kết dân tộc

Đề xuất thành lập chính phủ quốc gia của Tổng thống và anh trai ông là Thủ tướng Mahinda Rajapaksa (hai người duy nhất chưa từ chức) khiến phe đối lập bối rối hay đúng hơn là một sự giễu cợt.

Theo các nhà phân tích chính trị, lời đề xuất về một chính phủ đoàn kết là không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc khôi phục niềm tin vào chính quyền Rajapaksa.

Lãnh đạo phe đối lập chính, ông Sajith Premadasa cho biết ông sẽ không tham gia chính phủ do gia tộc Rajapaksa cầm quyền.

Chính phủ Sri Lanka thừa nhận đây là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi nước này giành độc lập khỏi Anh năm 1948, và dù đã yêu cầu sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhưng các cuộc đàm phán đều thất bại và có thể kéo dài đến cuối năm.

Bình luận