Lãnh đạo Nga, Mỹ, Pháp ra tuyên bố chung về cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh

(VOH) - Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 1/10 đã ra tuyên bố chung về cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh.

Qua đó, lên án mạnh mẽ sự leo thang bạo lực tại khu vực dọc "Ranh giới Tiếp xúc" ở Nagorny-Karabakh, đồng thời kêu gọi các bên xung đột lập tức ngừng bắn và nối lại đàm phán.

Trang web của Điện Kremlin, tài khoản mạng xã hội của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng và Phủ Tổng thống Pháp ngày 1/10 đều ra thông báo về tuyên bố chung này.

Giao tranh ở Nagorno-Karabakh ngày 27/9/2020 (Ảnh: Bộ quốc phòng Armenia/AP)

Tuyên bố chung khẳng định, với tư cách là đồng chủ tịch Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Nga, Mỹ và Pháp lên án mạnh mẽ sự leo thang bạo lực dọc "Ranh giới Tiếp xúc" ở Nagorny-Karabakh.

Lãnh đạo ba nước đã kêu gọi lực lượng vũ trang của các bên xung đột chấm dứt ngay các hành động thù địch, đồng thời kêu gọi lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan, dưới sự hỗ trợ của Nga, Mỹ và Pháp, lập tức nối lại các cuộc đàm phán một cách đầy thiện chí và vô điều kiện nhằm giải quyết xung đột.

Lãnh đạo Nga, Mỹ và Pháp đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân trong vụ xung đột và lời thăm hỏi tới các nạn nhân và gia đình những người bị thương.

Trước đó vào ngày 29/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã lên tiếng kêu gọi Armenia và Azerbaijan "lập tức ngừng giao tranh" tại khu vực Nagorny-Karabakh sau 3 ngày xung đột gây thương vong.

Cuộc giao tranh giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorny-Karabakh bùng phát vào ngày 27/9, hai bên cáo buộc lẫn nhau có hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Nagorny-Karabakh là vùng đất tự trị của Azerbaijan trong thời kỳ Liên Xô, có diện tích khoảng 4400 km2, có đa số là người Armenia sinh sống.

Chủ quyền Nagorny-Karabakh cho tới nay vẫn là vấn đề tranh cãi quyết liệt giữa Armenia và Azerbaijan.

Ngày 20/2/1988, sau khi Quốc hội Nagorny-Karabakh bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập Armenia, các cuộc xung đột đã nhanh chóng nổ ra.

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Azerbaijan tuyên bố độc lập và cách chức chính quyền Karabakh, cộng đồng Armenia chiếm đa số tại đây đã bỏ phiếu tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan và tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Nagorny-Karabakh.

Azerbaijan rất muốn dập tắt phong trào ly khai tại Nagorny-Karabakh, còn chính quyền Karabakh lại muốn đấu tranh đòi ly khai chống lại Cộng hòa Azerbaijan. Điều này đã dẫn tới những cuộc xung đột vũ trang giữa hai bên kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994 tại vùng Nagorny-Karabakh.

Xem thêm: