EU gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng, đến tháng 3/2021

(VOH) - EU đặt điều kiện sẽ dỡ bỏ hoặc nới lỏng lệnh trừng phạt trong trường hợp Nga nghiêm túc thực thi thỏa thuận Minsk nhằm hướng tới một nền hòa bình ở Ukraine.

Ngày 10/9 giờ địa phương, Hội đồng châu Âu (EC) - cơ quan chính trị cao nhất của Liên minh châu Âu (EU), đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt thêm 6 tháng đối với các cá nhân và thực thể tiếp tục phá hoại hoặc đe dọa đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đến ngày 15/3/2021.

Các biện pháp trừng phạt đang thực thi hiện nay bao gồm việc hạn chế đi lại, đóng băng tài sản…, sẽ tiếp tục áp dụng đối với 175 người và 44 thực thể.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một cuộc họp thưởng đỉnh trực tuyến của Hội đồng châu Âu bàn việc gia hạn trừng phạt Nga
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một cuộc họp thưởng đỉnh trực tuyến của Hội đồng châu Âu bàn việc gia hạn trừng phạt Nga 

Ngày 17/3/2014, các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lần đầu tiên đối với các tổ chức và cá nhân được cho là đã phá hoại hoặc đe dọa đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt sau đó được gia hạn nhiều lần và mở rộng thêm các đối tượng bị trừng phạt. Các chính trị gia châu Âu ràng buộc vấn đề hạn chế và trừng phạt với việc thực hiện thỏa thuận Minsk - thỏa thuận giữa 4 nước Pháp, Đức, Nga, Ukraine về việc ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi miền Đông Ukraine

EU đặt điều kiện sẽ dỡ bỏ hoặc nới lỏng lệnh trừng phạt trong trường hợp Nga nghiêm túc thực thi thỏa thuận Minsk nhằm hướng tới một nền hòa bình ở Ukraine.

Tháng 6 vừa qua, EU đã gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga cho đến ngày 31/1/2021 với lý do thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine chưa được thực thi đầy đủ.

Nga đã nhiều lần kiên quyết tuyên bố rằng nước này không phải là một bên của cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, không phải là một bên trong thỏa thuận Minsk.

Để đáp trả lệnh trừng phạt của EU, chính phủ Nga đã cấm nhập khẩu một lượng lớn thực phẩm từ các nước thành viên của khối này.

Hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU chủ yếu nhằm vào lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng của Nga

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga liên quan đến việc sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea sẽ tiếp tục thực thi cho đến ngày 23/6/2021.

Trước đó, các quốc gia như Cộng hòa Montenegro, Albania, Na Uy, Iceland, Ukraine và Gruzia đều tuyên bố sẽ tham gia vào việc trừng phạt này.

An Nhiên (Theo CCTV)

Xem thêm: 

Bình luận