Ngày 4/8, hai vụ nổ tại Beirut của Lebanon đã khiến một phần lớn diện tích trong khu vực bị san bằng, hàng loạt xe cộ bị lật tung và rất nhiều nhà cửa, đền thờ, trường học và cả bệnh viện đều bị phá hủy.
Sức mạnh của vụ nổ này được đánh giá tương đương 240 tấn thuốc nổ TNT, và bằng một trận động đất 3,5 độ Richter, theo GFZ, trung tâm khoa học địa chất của Đức. Có thể nghe thấy và cảm nhận được vụ nổ ở Cộng hòa Síp cách đó hơn 200 km trên Địa Trung Hải.
Nguyên nhân ban đầu của vụ việc được cho là do 2.750 tấn ammonium nitrate chứa tại nhà kho của một bến cảng trong khu vực đã phát nổ. Đây là loại hóa chất thường dùng trong phân bón và chế tạo bom - đã được lưu trữ thời gian lên đến 6 năm mà không có bất kỳ phương án xử lý hay phòng bị nào.
Đến nay, đã có ít nhất 137 người chết và hơn 5.000 người bị thương cùng rất nhiều người khác còn mất tích sau vụ nổ. Những hình ảnh chụp toàn cảnh và chụp từ vệ tinh đã cho thấy mức độ tàn phá vô cùng nghiêm trọng của sự việc, với nhiều ý kiến cho rằng như khung cảnh thời chiến chứ không chỉ là vụ tai nạn.
Khu vực bến cảng thủ đô Beirut - trung tâm vụ nổ, ngày 9/7/2020, gần một tháng trước khi xảy ra thảm kịch và khung cảnh tan hoang ngày 5/8/2020. Ảnh: Maxar Technologies
Tàu du lịch Orient Queen ngày 31/7/2020 (ảnh trên) trước khi vụ nổ xảy ra neo đậu chỉ cách nhà kho phát nổ vài trăm mét. Ngày 5/8, du thuyền hàng trăm ngàn tấn bị lật ngang, một phần bị chìm. Một thủy thủ đoàn đã chết và rất nhiều người khác hiện vẫn còn mất tích. Văn phòng điều hành hãng tàu nằm trên bến cảng cũng bị thổi bay trước sức công phá của vụ nổ. Ảnh: Maxar Technologies
Bến cảng yên bình trước khi xảy ra thảm kịch và toàn cảnh bến cảng bị phá hủy hoàn toàn sau vụ nổ có sức công phá tương đương 240 tấn thuốc nổ TNT. Cơ quan y tế khẩn cấp Lebanon cho biết sẽ có khoảng 300.000 người dân lâm vào cảnh mất nhà cửa, đồng thời nguồn cung thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm được dự báo sẽ trở nên khan hiếm vì vụ nổ lần này. Ảnh: Google, EPA
Bến cảng nhộn nhịp ngày nào giờ đã trở nên hoang tàn. Hoạt động thương mại đường tàu biển hiện tại ở Lebanon sẽ tạm thời chuyển sang thành phố lớn thứ hai nước này là Tripoli. Đây cũng sẽ là nơi tiếp nhận hỗ trợ y tế, thực phẩm, nhiên liệu và nhu yếu phẩm của Lebanon. Qatar, Kuwait và Jordan sẽ sớm điều bệnh viện dã chiến đến đây. Ảnh: Reuters
Hàng loạt trung tâm thương mại, nhà hàng, cơ sở dịch vụ... ở trung tâm thủ đô Beirut, nằm cách khá xa vụ nổ cũng không tránh được thiệt hại. Thị trưởng Beirut, Marwan Abboud, cho biết kinh phí sửa chữa, khắc phục thiệt hại tại các công trình công cộng có thể lên tới nhiều tỷ USD. Ảnh: Getty Images
Một số cơ sở tôn giáo chính trong thành phố như đền Mohammad al-Amin, nhà thờ Thánh George cũng bị thiệt hại đáng kể. Ảnh: Getty Images