Ít nhất 9 quốc gia đã tạm dừng tài trợ cho UNRWA, sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên của cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc này có liên quan đến vụ tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas ngày 7/10 năm ngoái.
Hiện các quốc gia tài trợ chính cho UNRWA như Mỹ, Anh, Canada, Thụy Sĩ và Đức đã tuyên bố đình chỉ tài trợ cho tổ chức này liên quan đến cáo buộc của Israel.
Ngày 28/1, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tuyên bố: "Mặc dù tôi hiểu mối quan tâm của họ, bản thân tôi cũng kinh hoàng trước những cáo buộc này, nhưng tôi mạnh mẽ kêu gọi các chính phủ đã ngừng đóng góp ít nhất hãy đảm bảo tính liên tục cho các hoạt động của UNRWA".
Ông Guterres cam kết sẽ buộc "bất kỳ nhân viên Liên Hiệp Quốc nào có liên quan đến hành động khủng bố" phải chịu trách nhiệm.
Ông Philippe Lazzarini, lãnh đạo UNRWA, cũng kêu gọi các nước "xem xét lại quyết định của mình trước khi UNRWA buộc phải đình chỉ hoạt động cứu trợ nhân đạo".
UNRWA cho biết đã sa thải một số nhân viên và mở một cuộc điều tra về cáo buộc của Israel.
Cơ quan y tế Dải Gaza cho biết hơn 26.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Israel chống lại Hamas tại vùng đất này.
Các nhân viên cứu trợ cho biết với dòng viện trợ thực phẩm và thuốc men vào lãnh thổ chỉ bằng một phần nhỏ trước xung đột, số ca tử vong vì bệnh tật và nạn đói đang gia tăng.
Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu ngày 7/10/2023, hầu hết trong số 2,3 triệu người dân Dải Gaza đã trở nên phụ thuộc vào viện trợ mà UNRWA cung cấp. Khoảng 1 triệu người trong đó đã chạy trốn khỏi các cuộc oanh tạc của Israel và trú ẩn trong các cơ sở của cơ quan Liên Hiệp Quốc này.
Người dân Palestine đã bày tỏ sự tức giận trước việc cắt giảm tài trợ.
Israel vẫn chưa công khai thông tin chi tiết về cáo buộc các nhân viên UNRWA có liên quan đến vụ tấn công vào Israel.