Chờ...

Libya: Người dân đối mặt với bệnh tật sau lũ lụt kinh hoàng

VOH - Gần một tuần sau khi trận lũ lụt kinh hoàng “như sóng thần” cao 7 mét quét qua thành phố Derna, Libya khiến hơn 11.300 người thiệt mạng.

Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Libya ngày 14/9 cho biết 11.300 người được xác nhận đã thiệt mạng trong thảm họa. 10.100 người được báo cáo mất tích, có thể đang bị chôn vùi dưới những tòa nhà đổ nát, hoặc bị dòng lũ cuốn ra biển.

Các quan chức địa phương nhận định số người chết trong trận lũ lụt kinh hoàng thật sự có thể cao hơn nhiều, dao động từ 18.000 - 20.000 người.

Theo Hãng tin Reuters, người dân và các nhân viên cứu hộ ở thành phố Derna đang phải vật lộn xử lý hàng nghìn thi thể của các nạn nhân lũ lụt trôi dạt khắp nơi hoặc đang phân hủy bên dưới những đống đổ nát.

Libya: Người dân đối mặt với bệnh tật sau lũ lụt kinh hoàng 1
Thi thể người chết được đưa về nhà xác ở Derna sau lũ quét ngày 13/9 - Ảnh: AFP

Ông Ibrahim al-Arabi, bộ trưởng y tế của chính phủ miền Tây Libya có trụ sở tại thủ đô Tripoli, nói với Reuters rằng ông chắc chắn nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm do các thi thể người, xác chết động vật, rác thải và các chất hóa học khác lẫn vào nguồn nước.

Công tác thu hồi thi thể gặp nhiều thách thức bởi cơ sở hạ tầng yếu kém. "Chúng tôi không đủ nguồn lực, thậm chí không đủ khẩu trang và găng tay", Abdul Qader Saleh, thành viên ủy ban hướng đạo sinh của Derna, ngày 14/9 cho biết.

WHO cũng như những tổ chức viện trợ đã kêu gọi chính quyền địa phương dừng chôn cất các nạn nhân thiên tai trong các ngôi mộ tập thể.

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, đã có hơn 1.000 nạn nhân được chôn cất trong các ngôi mộ tập thể.

Bởi điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người thân, gây ra những vấn đề về pháp lý đối với gia đình các nạn nhân và có thể tạo ra mối nguy hại nếu các ngôi mộ tập thể nằm gần nguồn nước.