Liên Hợp Quốc họp về đa dạng sinh học: Thiên nhiên không chỉ là nguồn lợi cho con người

(VOH) – “Cách chúng ta tiếp cận việc phát triển kinh tế là cốt lõi của cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học.”

Ngày 11/7, báo cáo của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng con người phải ngừng coi thiên nhiên là nguồn lợi nhuận ngắn hạn và cần dựa trên "các giá trị" liên kết tính bền vững của thiên nhiên với tình trạng hành tinh của chúng ta.

Nếu không có sự thay đổi, các mục tiêu về phát triển bền vững và giảm thiểu bất bình đẳng trên thế giới vẫn sẽ là điều viển vông, các chuyên gia về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc, IPBES nhấn mạnh trong tài liệu nói về “các giá trị và định giá của thiên nhiên”.

Liên Hợp Quốc họp về đa dạng sinh học: Thiên nhiên không chỉ là nguồn lợi cho con người 1
Ảnh chụp một góc biên giới rừng nhiệt đới Amazon, bang Mato Grosso, Brazil. Nguồn: Reuters

"Cách chúng ta tiếp cận phát triển kinh tế là cốt lõi của cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học", Unai Pascual, nhà kinh tế môi trường tại Đại học Bern và đồng chủ trì phiên họp IPBES, người đã thông qua báo cáo trong cuộc họp gồm 139 quốc gia tại Bonn tóm tắt.

Báo cáo này “nhằm tích hợp các loại giá trị khác nhau vào các quyết định”, chuyên gia cho biết thêm. Trước khi báo cáo này được công bố 3 ngày, một báo cáo khác của IPBES cũng đã cảnh báo về việc khai thác quá mức các loài hoang dã đang đe dọa cuộc sống của hàng tỷ người.

Hai báo cáo trên sẽ được đưa vào các cuộc thảo luận tại COP15 về đa dạng sinh học vào tháng 12 tại Montreal, nhằm thiết lập một khuôn khổ để bảo vệ thiên nhiên và các nguồn tài nguyên ở cấp độ toàn cầu vào năm 2050.

Trong báo cáo thứ hai này, 80 chuyên gia đã phân tích hơn 13.000 nghiên cứu khoa học về sự phá hủy các hệ sinh thái cũng như lý do của nó và các giá trị thay thế có thể thúc đẩy tính bền vững, mà con người là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng sự sống, gắn chặt với biến đổi khí hậu.