Những cập nhật cho việc thi hành một bản ghi chú ban hành lần đầu vào tháng 8/2018 sẽ được thông qua bởi hội đồng 15 thành viên thuộc ủy ban phụ trách trừng phạt Triều Tiên vào thứ Sáu nếu không có ý kiến phản đối nào, các quan chức ngoại giao cho biết.
Triều Tiên đã nằm trong mục tiêu trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ năm 2006 do chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình. Hội đồng đã đều đặn tăng cường lệnh trừng phạt trong nỗ lực cắt nguồn tài trợ cho các chương trình đó.
"Đề xuất của Mỹ cho phép các tổ chức nhân đạo theo dõi nhanh các yêu cầu miễn trừ đối với hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, chẳng hạn như viện trợ để ứng phó với đại dịch hoặc thiên tai", một quan chức ngoại giao của Hội đồng Bảo an nói với điều kiện giấu tên.
Nhà ngoại giao cho biết biện pháp này cũng kéo dài thời gian miễn trừ và yêu cầu ủy ban xử lý các yêu cầu khẩn cấp theo một thời hạn nhanh chóng.
Trong khi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc không nhằm gây hại cho người dân Triều Tiên, nhưng "có thể có chút nghi ngờ, chúng đã có những tác động tiêu cực, mặc dù điều này rất khó tách khỏi các yếu tố bên ngoài và bên trong khác", các nhà giám sát các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc báo cáo với hội đồng hồi tháng 8.
Đại dịch COVID-19, đóng cửa biên giới với Trung Quốc và các cơn bão vừa càn quét qua đã tạo thêm áp lực cho nền kinh tế Triều Tiên vốn đã bị kềm hãm do các lệnh trừng phạt quốc tế.
Hồi tháng 10/2020, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã có một thú nhận hiếm hoi trong một bài phát biểu tại lễ duyệt binh quân sự, trong đó nói rằng ông đã thất bại trong việc giải quyết những khó khăn kinh tế.
Một nhà điều tra nhân quyền độc lập của Liên Hợp Quốc hồi tháng trước đã kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên vì chúng có thể đang làm trầm trọng thêm các vấn đề từ việc đóng cửa để ngăn chặn lây lan dịch COVID-19. Nga và Trung Quốc cũng đã đề nghị nới lỏng các biện pháp trừng phạt vì mục đích nhân đạo, nhưng các nước phương Tây cho rằng còn quá sớm.
Chủ tịch Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau ba lần kể từ năm 2018, nhưng không đạt được tiến bộ trong việc Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và yêu cầu của Triều Tiên về việc chấm dứt các lệnh trừng phạt.