Chờ...

Liên Hợp Quốc: Yemen đối mặt với nạn đói tồi tệ nhất thế giới, cần hỗ trợ 3,85 tỷ USD

(VOH) – Yemen sẽ đối diện với nạn đói trầm trọng nhất mà thế giới chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ trừ phi được viện trợ, và cần một nguồn viện trợ 3,85 tỷ USD, theo giám đốc nhân đạo Liên Hợp Quốc.

Giám đốc phụ trách vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc Mark Lowcock nói các nước, đặc biệt là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), là những nước đã đóng góp hào phóng cho lời kêu gọi từ Liên Hợp Quốc các năm 2018 và 2019, đã cắt giảm tài trợ đáng kể từ năm ngoái.  Điều này buộc các cơ quan viện trợ phải giảm số người Yemen nhận lương thực và các khoản viện trợ nhân đạo khác từ 13-14 triệu người mỗi tháng vào năm 2019 xuống chỉ còn 9 triệu người vào năm 2020.

4 triệu người không được nhận lương thực năm ngoái nằm trong số những người “đang trong một quá trình chết đói kéo dài, chậm chạp, tàn bạo, đau đớn”, Lowcock nói với một nhóm phóng viên trong một họp báo trực tuyến.

yemen-nan-doi-voh.com.vn
Một bé gái Yemen uống một thức uống bổ sung dinh dưỡng. Ảnh: Reuters

Ông đưa ra cảnh báo này trước khi diễn ra một hội nghị do Thụy Điển và Thụy Sỹ đồng tổ chức, nơi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ đưa ra lời kêu gọi đóng góp 3,86 tỷ USD.

“Nếu không có khoản viện trợ này, sẽ có thêm rất nhiều người chết, đây là viễn cảnh thảm họa của đất nước này,” Lowcock cảnh báo. “Vì tình trạng hiện tại của quốc gia này, nơi nạn đói đã hiện diện sẵn, những gì chúng ta sẽ thấy là một nạn đói tồi tệ nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ.”

Lowcock cho biết chính sách về Yemen mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm mục đích chấm dứt cuộc chiến kéo dài 6 năm và ngăn chặn sự hỗ trợ dành cho liên quân, và được Saudi Arabia đặc biệt hoan nghênh, “đã tạo ra một cơ hội lớn cho hòa bình và tiến bộ tại Yemen”.

Lowcock nói thêm rằng các bên tham chiến của Yemen hiện đang nắm lấy cơ hội và xây dựng một chính phủ đại diện cho “tất cả mọi người” và giải quyết các nhu cầu của người dân, bao gồm xây dựng lại nền kinh tế và khôi phục sinh kế cho hàng triệu người. Nếu điều đó xảy ra, chính phủ đó sẽ nhận được sự hỗ trợ từ quốc tế.

Ông nhấn mạnh rằng để giữ tình hình “ổn định” cho tiến trình hòa bình có cơ hội, tình hình nhân đạo cần cải thiện để quay trở lại tình hình năm 2019, thời điểm mà 13-14 triệu người dân được cấp lương thực mỗi tháng, và điều này đòi hỏi một nguồn vốn 3,85 tỷ USD.

Năm 2020, lời kêu gọi đóng góp 3,4 tỷ chỉ tiếp nhận được khoảng 1,8 tỷ USD, trong đó Liên Hợp Quốc chỉ nhận 300 triệu USD của 500 triệu USD mà Saudi Arabia cam kết, chỉ một đóng góp nhỏ từ UAE, và Kuwait đóng góp sau đó với chỉ 20 triệu USD.

Lowcock cho biết ông đã nói chuyện với các nước vùng Vịnh hàng ngày trong khoảng 7 hoặc 10 trước cho thông điệp rằng những điều mà các nước này đã làm năm 2018 và 2019 đã cứu rất nhiều sinh mạng và ngăn chặn một thảm kịch, mong muốn các nước này cam kết hào phóng và thanh toán nhanh chóng để tiếp tục cứu Yemen.

Giám đốc nhân đạo Liên Hợp Quốc cho biết thứ Hai tới sẽ là hội nghị kêu gọi viện trợ thứ tư cho Yemen, và ông mong đợi một con số đại biểu tham dự cao hơn, có sự hiện diện cấp cao hơn bao gồm các bộ trưởng ngoại giao và “đại diện mạnh mẽ từ các nước vùng Vịnh” mà ông gọi là “một dấu hiệu đáng khích lệ”.

Lowcock nói ông tin rằng các nước cũng nhận ra rằng chính sách mới của chính quyền Biden mang lại cơ hội để cố gắng khôi phục hòa bình cho Yemen và viện trợ nhân đạo là một yếu tố quan trọng.