Theo ông Kartapolov, đây cũng là nguyên nhân kích động cuộc nổi loạn vừa qua của tập đoàn đánh thuê Wagner.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Kartapolov: "Vài ngày trước khi xảy ra cuộc nổi loạn, Bộ Quốc phòng nói rằng tất cả các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chiến đấu phải ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng. Mọi người tuân thủ quyết định này... ngoại trừ ông Prigozhin".
Ngày 11/6, ông Prigozhin tuyên bố tập đoàn đánh thuê Wagner sẽ không ký bất kỳ hợp đồng nào với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, đồng thời chỉ trích ông Shoigu không có khả năng quản lý các đơn vị quân đội.
Sau khi từ chối ký hợp đồng đặt Wagner dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng Nga, ông Prigozhin được thông báo rằng lực lượng của ông sẽ không còn chiến đấu ở Ukraine nữa và do đó sẽ không nhận được tiền từ Chính phủ Nga.
Ngày 29/6, CNN dẫn dữ liệu từ trang theo dõi máy bay FlightRadar24 cho biết, các máy bay của ông Prigozhin tiếp tục di chuyển giữa Nga và Belarus.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố, lực lượng quân sự tư nhân Wagner sẽ không canh giữ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga triển khai tại Belarus. Phía Belarus đã cấp cho lực lượng Wagner một căn cứ cũ không dùng đến và lực lượng này phải tự xây dựng chỗ ở.
Ông bác bỏ thông tin trên truyền thông cho rằng Belarus đang xây căn cứ mới cho Wagner nhưng nói thêm rằng "nếu họ muốn, chúng tôi sẽ bố trí cho họ". Ngoài ra, ông Lukashenko còn cho rằng, Wagner có thể cung cấp thông tin, hỗ trợ quân đội Belarus về vũ khí và chiến thuật tác chiến.
Việc ông trùm Wagner và các binh lính của tập đoàn đánh thuê này chuyển sang Belarus khiến nhiều nước châu Âu lo ngại.
Phát biểu sau cuộc họp ngày 27/6 tại The Hague (Hà Lan) với ông Stoltenberg và lãnh đạo 6 quốc gia NATO khác, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho rằng, nếu Wagner điều động lực lượng tại Belarus thì mọi quốc gia láng giềng sẽ đối diện nguy cơ bất ổn lớn hơn.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng, đây là vấn đề rất nghiêm trọng và đáng lo ngại, đồng thời kêu gọi liên minh cần có những quyết định mạnh mẽ và câu trả lời cứng rắn.