Lý do Trung Quốc im lặng trước động thái của Houthi ở biển Đỏ

VOH – Thời gian qua, Houthi liên tục tấn công tàu thuyền qua lại tại biển Đỏ. Tuy nhiên phản ứng của Trung Quốc khá dè dặt.

Sáu năm trước, bộ phim có tựa đề “Operation Red Sea” trở thành hiện tượng ở Trung Quốc. Bộ phim tập trung vào chiến tích của hải quân Trung Quốc ở nước ngoài. Cốt truyện xoay quanh hoạt động của lực lượng đặc biệt hải quân, nhằm giải cứu một công dân bị bắt làm con tin ở biển Đỏ. Sĩ quan chỉ huy sứ mệnh giải cứu nhấn mạnh: “Nhiệm vụ này là thông điệp gửi tới tất cả những kẻ khủng bố, các bạn không bao giờ được động đến công dân Trung Quốc”. Các quan chức cho biết, bộ phim cho thấy Trung Quốc đang đảm nhận trách nhiệm với tư cách cường quốc.

Nhiều tàu thuyền ở biển Đỏ đang bị Houthi tấn công - Ảnh CNN
Nhiều tàu thuyền ở biển Đỏ đang bị Houthi tấn công - Ảnh CNN

Từ tháng 11/2023, phiến quân Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công tàu bè ở biển Đỏ bằng tên lửa và máy bay không người lái. Mỹ thúc giục Trung Quốc thể hiện tinh thần trách nhiệm của 1 cường quốc, bằng cách giúp giải quyết cuộc khủng hoảng.

Trong cuộc họp ngày 26 và 27/1/2024 tại Bangkok, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã thuyết phục ngoại trưởng Vương Nghị rằng, ảnh hưởng của Trung Quốc hữu ích để ngăn chặn mối đe dọa từ Houthi. Tuy nhiên, Trung Quốc nhìn nhận trách nhiệm theo cách khác. Họ không muốn dính líu vào Trung Đông. Trung Quốc coi an ninh khu vực là vũng lầy do Mỹ tạo ra. Thậm chí, Trung Quóc khai thác tình huống để thể hiện tình đoàn kết với thế giới Ả Rập.

Nhìn kỹ hơn, an ninh khu vực rất quan trọng với Trung Quốc. Năm 2021, khi một tàu container mắc kẹt giữa kênh đào Suez trong 6 ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc ước tính 60% hàng xuất khẩu của họ sang châu Âu sử dụng tuyến đường đó. Năm 2023, khoảng 17% hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu, là sang Liên minh châu Âu và Anh.

Houthi tuyên bố tấn công nhằm vào các tàu có liên quan tới Israel. Nhưng vẫn rủi ro cho tất cả. Ngày 3/12, một tàu container được thuê bởi OOCL - công ty có trụ sở tại Hồng Kông thuộc sở hữu của COSCO - hãng vận tải khổng lồ do nhà nước Trung Quốc điều hành, đã trúng một tên lửa bắn từ máy bay không người lái.

Dữ liệu do công ty phân tích Spire Global cung cấp cho thấy, trước tháng 12/2023, 99% tàu container đi giữa châu Âu và Trung Quốc có sử dụng kênh đào Suez. Đến tuần thứ hai của tháng 1/2024, con số giảm hơn 1 nửa. Đi vòng quanh cực Nam châu Phi kéo dài thêm hải trình 2 tuần, tăng rất nhiều chi phí vận chuyển. Nhiều chuyến hàng từ châu Âu đi Trung Quốc, giá đã vọt gấp đôi vào cuối năm 2023.

Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn chọn giải pháp im lặng trước các cuộc tấn công của Houthi.

Mỹ tin rằng Iran đang hỗ trợ Houthi. Trung Quốc - nước có quan hệ chặt chẽ với chính phủ ở Tehran, có thể giúp thuyết phục dừng các cuộc tấn công ở biển Đỏ.

Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Trung Quốc đang xem xét kỹ vấn đề. Nếu lợi ích của họ tiếp tục bị tổn hại, có thể họ sẽ hành động. Nhưng những mối quan hệ của Trung Quốc trong khu vực đan xen rất phức tạp.

Nhiều năm qua, Trung Quốc ra sức xây dựng hình ảnh thân thiện. Năm 2022, chủ tịch Tập Cận Bình công bố sáng kiến “An ninh toàn cầu” (GSI) tại Trung Đông, nhằm tập hợp sự ủng hộ trong cuộc đối đầu với phương Tây. Trung Quốc phản đối tư duy chiến tranh lạnh và sự bao vây của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương.

Năm 2023, Trung Quốc đạt được thắng lợi ngoại giao quan trọng, khi làm cầu nối giúp Iran và Ả Rập Saudi bình thường hóa quan hệ. Mối quan hệ tốt đẹp với Iran đang mang đến nhiều lợi ích. Gần 90% dầu xuất khẩu của Iran, phần lớn giá rẻ, là đến Trung Quốc. Nhập khẩu dầu từ Iran luôn chiếm trên dưới 10% tổng lượng nhập khẩu của nền kinh tế số 2 thế giới.

Rõ ràng Iran là bên bảo trợ chính cho Houthi, với việc cung cấp vũ khí, tiền bạc và thông tin tình báo. Nhưng Trung Quốc có lý do để không can thiệp, khi Houthi tấn công tàu bè tại biển Đỏ. Thậm chí ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố trước Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc rằng, họ phản đối Mỹ và Anh oanh kích Houthi.

Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, một cơ quan tư vấn ở Washington, Trung Quốc ngày càng đầu tư nhiều vào các quốc gia xung quanh biển Đỏ như Ai Cập hay Ả Rập Saudi. Cộng chung lại, Trung Đông chiếm hơn 1 nửa tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.

Bắc Kinh lo ngại các hoạt động oanh tạc Houthi, có thể đẩy khu vực đến hố sâu bất ổn hơn. Ngoài ra, nhiều chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cũng tin rằng, xung đột với Houthi có thể làm Mỹ giảm tập trung ở châu Á Thái Bình Dương, giảm chú ý đến các vấn đề Đài Loan, Triều Tiên, biển Nhật Bản hay hành lang biển Đông. Điều này có lợi cho Trung Quốc về địa chính trị.

Bình luận