Động thái nhằm làm rõ liệu một số quan chức tại Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) có hành vi vi phạm hình sự liên quan vụ việc này hay không.
Ông Andika Urrasyidin, Trưởng nhóm điều tra vụ siro ho nhiễm độc, cho biết lực lượng chức năng triệu tập nhiều quan chức BPOM để thẩm vấn và cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.
"Cơ quan điều tra đang xem xét tất cả những bằng chứng và tiếp tục lấy lời khai những người có liên quan. Những cá nhân có sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Andika nhấn mạnh.
Hồi tháng 10/2022, Indonesia tạm thời cấm bán một số thuốc dạng siro sau khi xác định ethylene glycol và diethylene glycol có trong thành phần thuốc. Hai hợp chất này có thể gây độc và dẫn đến tổn thương thận cấp tính.
Cho đến nay, BPOM thu hồi giấy phép của ít nhất 3 công ty khác sản xuất các sản phẩm mà cơ quan này xác định có chứa hàm lượng lớn ethylene glycol và diethylene glycol.
Cuối năm 2022, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ và đưa ra cáo buộc đối với 8 cá nhân thuộc các công ty nước này.
Không chỉ Indonesia, các nước như Gambia, Uzbekistan năm ngoái ghi nhận hàng chục trường hợp trẻ em tử vong do sử dụng siro ho nhiễm độc.