Trong một năm được đánh dấu bằng sự quay trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino, một mùa hè nóng bức đặc biệt, một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan và tác động ngày càng rõ rệt của hiện tượng nóng lên toàn cầu, các chuyên gia đang dự đoán rằng, mùa đông năm nay có thể sẽ phá kỷ lục khi trở thành mùa đông ấm nhất.
Bình luận với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), nhà khoa học khí hậu Mathew Barlow tại Đại học Massachusetts Lowell ở Mỹ cho biết, trên toàn cầu, rất có thể tháng 12/2023, tháng 1 và tháng 2/2024 sẽ ấm kỷ lục.
Theo ông Barlow, đối với toàn bộ Trái đất, đây sẽ là thời kỳ nóng nhất được ghi nhận do hiện tượng nóng lên toàn cầu và hiệu ứng El Nino.

Giáo sư Barlow cho biết thêm, những năm lập kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu hầu hết đều là những năm xuất hiện hiện tượng El Nino và sắp tới, nhiệt độ trung bình dự kiến sẽ ấm hơn ở hầu hết mọi nơi.
Ông cho biết, tháng 10 vừa qua là tháng nóng kỷ lục nhất từ trước tới nay (so sánh theo tháng). Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU, tháng 10/2023 là tháng 10 ấm nhất trên toàn cầu trong các hồ sơ dữ liệu kể từ năm 1940.
“Từ tháng 1 đến tháng 10/2023 ấm hơn 0,1°C so với mức trung bình 10 tháng của năm 2016, hiện là năm dương lịch ấm nhất được ghi nhận và ấm hơn 1,43°C so với thời kỳ tham chiếu tiền công nghiệp” - Copernicus cho biết.
Mùa đông sẽ ngắn lại
Giáo sư Barlow dự báo, mùa đông sẽ ngày càng ngắn lại. Ông nói: “Tôi nghĩ ở hầu hết các nơi, mùa đông sẽ ngắn hơn. Nhiệt độ lạnh nhất sẽ bắt đầu muộn hơn và kết thúc sớm hơn một chút. Đó là một sự thay đổi rất nhất quán theo thời gian đối với hầu hết các khu vực”.
Nhà khoa học khí hậu trên còn đưa ra dự báo một kỷ lục khác về nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu, dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.
Với tình trạng ấm lên toàn cầu, ông Barlow cho rằng, các hiện tượng cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng như đã thấy trong mùa hè này dưới dạng lũ lụt nghiêm trọng, hạn hán và nắng nóng cực độ.
Ông lưu ý thêm rằng ngoài hiện tượng nóng cực độ, cũng sẽ xuất hiện các đợt lạnh cực độ, mặc dù điều đó chắc chắn sẽ ít xảy ra hơn do biến đổi khí hậu.
Ông nói: “Đã có những khu vực ở miền trung Hoa Kỳ và một số khu vực ở Đông Á, mặc dù những đợt lạnh cực độ xảy ra ít hơn nhưng khi chúng xảy ra, chúng lại lạnh như chưa từng có”.
Mỹ đã lập một số kỷ lục về không khí lạnh vào mùa thu này ngay sau khi lập một số kỷ lục về nắng nóng. Ông nói: “Kiểu thời tiết khắc nghiệt đó đang gia tăng. Đôi khi chúng ta thấy nhiệt độ rất ấm áp, sau đó thỉnh thoảng là nhiệt độ rất lạnh”.