Chờ...

Mực nước biển Thái Bình Dương tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu

VOH - Mực nước biển ở Tây Nam Thái Bình Dương đang tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, đe dọa các hòn đảo trong khi nhiệt độ cao gây thiệt hại cho các hệ sinh thái biển – WMO cho biết hôm 18/8.

Trong báo cáo Tình trạng Khí hậu Tây Nam Thái Bình Dương năm 2022, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) - Cơ quan khí tượng của Liên Hợp Quốc cho biết, mực nước đang tăng khoảng 4 mm mỗi năm ở một số khu vực, cao hơn một chút so với tốc độ trung bình toàn cầu.

Điều đó có nghĩa là các vùng lãnh thổ trũng thấp như Tuvalu và Quần đảo Solomon theo thời gian có thể bị ngập lụt, phá hủy các vùng đất nông nghiệp có thể sinh sống được - khiến cư dân không thể di chuyển lên các vùng cao hơn.

 Fiji
Cộng đồng cư dân Serua, Fiji phải đối mặt với quyết định “liệu có nên di chuyển” khỏi đảo hay không - Ảnh: Reuters

Báo cáo cho biết thêm rằng, các đợt nắng nóng trên biển đã xảy ra ở một khu vực rộng lớn phía đông bắc Australia và phía nam Papua New Guinea trong hơn 6 tháng qua, ảnh hưởng đến sinh vật biển và sinh kế của cộng đồng địa phương.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết El Niño - hiện tượng nhiệt độ bề mặt nước ấm lên ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương quay trở lại trong năm nay, sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến khu vực.

Theo ông Taalas: “Điều này sẽ có tác động lớn đến khu vực Tây Nam Thái Bình Dương vì nó thường liên quan đến nhiệt độ cao hơn, các kiểu thời tiết bất ổn và nhiều đợt nắng nóng trên biển hơn cũng như hiện tượng tẩy trắng san hô”.

Theo báo cáo, khu vực này năm ngoái đã ghi nhận 35 thảm họa tự nhiên, bao gồm lũ lụt và bão, khiến hơn 700 người thiệt mạng. Những thảm họa này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 8 triệu người.

Mặc dù số lượng các sự kiện thiên tai trong khu vực năm 2022 đã giảm so với năm 2021, nhưng quy mô thiệt hại kinh tế do lũ lụt và các vấn đề thời tiết lại tăng lên.

Thiệt hại do lũ lụt, bao gồm ở Úc và Philippines, lên tới 8,5 tỷ đô la, gần gấp ba lần so với năm trước.