Nhiệt độ nước biển tầng mặt tăng lên mức cao mới trong những tuần gần đây, giới khoa học cảnh báo ô nhiễm do khí thải carbon có nguy cơ biến những đại dương trở thành “quả bom hẹn giờ” gây tình trạng Trái Đất nóng lên.
Các đại dương hấp thụ phần lớn nhiệt lượng do các khí gây hiệu ứng nhà kính, dẫn đến các đợt nắng nóng kéo dài gây hại cho đời sống thủy sinh, thay đổi các hình thái thời tiết và làm gián đoạn các hệ thống điều tiết quan trọng của hành tinh.
Nhà hải dương học hàng đầu Jean-Baptiste Sallee, thuộc Cơ quan Nghiên cứu CNRS (Pháp), cho biết: “Đại dương, giống như miếng bọt biển, hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt gia tăng do các hoạt động của con người gây ra.”
Ông cho rằng tình trạng đại dương nóng lên đang gia tăng với tốc độ rất nhanh.
Theo dữ liệu của Trạm quan sát NOAA (Mỹ) thu thập từ năm 1982, đầu tháng 4 vừa qua, nhiệt độ bề mặt trung bình của các đại dương, không bao gồm biển ở vùng cực, tăng lên mức 21,1 độ C, vượt mức cao nhất từng được ghi nhận vào tháng 3/2016 là 21 độ C.
Hậu quả trực tiếp nhất do nhiệt độ đại dương tăng là các đợt nắng nóng trên biển nhiều hơn.
Theo ông Sallee, hiện tượng này giống như các đám cháy dưới nước có nguy cơ khiến hàng nghìn km2 rừng dưới nước suy thoái và không thể phục hồi.
Nhiệt độ nước biển ở tầng mặt cao hơn làm gián đoạn các quá trình hòa tan các chất dinh dưỡng và ôxy, vốn là yếu tố then chốt để hỗ trợ sự sống và nguy cơ thay đổi vai trò quan trọng của đại dương trong việc hấp thụ carbon từ khí quyển.
Các nhà khoa học dự báo lượng nhiệt dư thừa được lưu trữ trong các vùng nước trên thế giới cuối cùng sẽ trở lại hệ thống Trái Đất và khiến Trái Đất nóng lên nhiều hơn.