Tư lệnh quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan cam kết tạo điều kiện và bảo đảm an toàn cho hoạt động sơ tán công dân và các nhà ngoại giao của các nước.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Jordan, Indonesia và một số nước châu Âu cũng đã công bố kế hoạch sơ tán công dân khỏi Sudan.
Tướng Burhan nói thêm rằng, một số nhà ngoại giao từ Saudi Arabia đã được sơ tán khỏi Port Sudan, cảng biển chính của Sudan trên Biển Đỏ. Ông nói rằng, các nhà ngoại giao của Jordan sẽ sớm được sơ tán theo cách tương tự.
Đầu tuần này, Lầu Năm Góc cho biết đang chuyển thêm binh lính và thiết bị đến một căn cứ Hải quân ở quốc gia Djibouti nhỏ bé thuộc Vịnh Aden để chuẩn bị cho việc sơ tán nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ khỏi Sudan.
Hôm 21/4, Hoa Kỳ cho biết, họ chưa có kế hoạch phối hợp với chính phủ sơ tán khoảng 16.000 công dân Mỹ bị mắc kẹt ở Sudan và tiếp tục yêu cầu người Mỹ ở Sudan trú ẩn tại chỗ.
Đọc thêm: Sudan: Giao tranh khốc liệt, Liên Hợp Quốc lên tiếng
Liên hợp quốc thông báo đang cố gắng đưa nhân viên ra khỏi các khu vực "rất nguy hiểm" ở Sudan để chuyển họ đến các địa điểm an toàn hơn. Liên hợp quốc hiện có khoảng 4.000 nhân viên tại Sudan, trong đó 800 nhân viên quốc tế.
Theo hãng tin Yonhap, ông Lee Do-woon - người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc ngày 22/4 cho biết, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ra lệnh triển khai nhanh chóng một đơn vị hải quân chống hải tặc tới các vùng biển ngoài khơi của Sudan để bảo hộ công dân Hàn Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, có 26 người Hàn Quốc ở quốc gia châu Phi này, trong đó có một số nhân viên ngoại giao, đang chờ được sơ tán.
Hiện tại, giao tranh đã tạm thời lắng xuống tại thủ đô Khartoum sau những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về một thỏa thuận ngừng bắn vào thời điểm kết thúc tháng lễ Ramanda của người Hồi giáo.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, ít nhất 413 người đã thiệt mạng và hơn 3.500 đã bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra ngày 15/4 giữa các lực lượng trung thành với Tư lệnh quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan và người đứng đầu nhóm vũ trang RSF bán quân sự, Tướng Mohamed Hamdan Daglo.
Quân đội Sudan thông báo đã nhất trí với thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 21/4, để tạo điều kiện cho người dân Sudan tổ chức lễ hội Eid al-Fitr của người Hồi giáo, kết thúc tháng ăn chay Ramadan.