Mỹ - Anh sẽ cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia

(VOH) - Lãnh đạo của liên minh Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) tuyên bố nhất trí một thỏa thuận hợp tác nhằm cung cấp các tàu ngầm hạt nhân cho Australia từ đầu những năm 2030.

Ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại San Diego để công bố chi tiết về kế hoạch cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ông Biden nhấn mạnh đây là một phần trong cam kết của Washington cùng hai trong số những đồng minh “mạnh mẽ và có năng lực nhất” của Mỹ hướng tới mục tiêu Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Tổng thống Mỹ nêu rõ các tàu ngầm cung cấp cho Australia là tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, không phải được trang bị vũ khí hạt nhân.

Mỹ - Anh sẽ cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia 1

Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại buổi lễ công bố thỏa thuận tàu ngầm, San Diego. Ảnh: Reuters

Theo thỏa thuận, Mỹ dự kiến sẽ bán cho Australia 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia – do hãng General Dynamics chế tạo, bắt đầu từ đầu những năm 2030. Nước này sẽ được mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết.

Xem thêm: Tổng thống Mỹ: Sẽ sớm điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc

3 bên công bố dự án chế tạo tàu ngầm mới. Trong đó, Anh và Australia sẽ sản xuất và vận hành lớp tàu ngầm mới có tên SSN Aukus – loại tàu được phát triển 3 bên, dựa trên thiết kế tàu thế hệ tiếp theo của Anh và công nghệ của Mỹ.

Anh sẽ ra mắt chiếc tàu ngầm SSN-Aukus đầu tiên vào cuối những năm 2030 và Australia sẽ cho ra chiếc đầu tiên vào đầu những năm 2040. Các tàu này sẽ do hãng BAE Systems và Rolls-Royce chế tạo.

Ngày 16/9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Úc Scott Morrison và người đồng cấp Anh Boris Johnson công bố quan hệ đối tác ba bên AUKUS. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đây là những nỗ lực "sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Nhà lãnh đạo Mỹ công bố sáng kiến giúp Úc sở hữu hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân "trong thời gian sớm nhất có thể".

 

Bình luận