Tại cuộc họp, các nước Mỹ, Australia và Nhật Bản đã cùng chĩa mũi dùi vào Trung Quốc, chỉ trích nước này không thực hiện những cam kết với WTO và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, các chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã làm méo mó môi trường cạnh tranh.
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã bác bỏ mọi chỉ trích nhắm vào nước này.
Mỹ tố Trung Quốc làm méo mó môi trường cạnh tranh, không thay đổi các chính sách cơ bản.
Ông David Bisbee, đại diện của Mỹ tại WTO đã có bài phát biểu tại cuộc họp kín của WTO hôm 20/10. Đây là cuộc họp rà soát về chính sách thương mại của Trung Quốc đầu tiên do WTO tổ chức kể từ năm 2018 đến nay.
Ông Bisbee cho biết, tại cuộc họp vào năm 2018, Mỹ đã có bài phát biểu khai mạc nêu rõ tầm quan trọng của Trung Quốc trong hệ thống thương mại quốc tế cũng như những thách thức cơ bản mà nước này gây ra đối với hệ thống thương mại này. "Giờ đây, những thách thức này vẫn còn tồn tại trước mắt chúng ta", ông Bisbee nói.
Ông Bisbee cũng nói rằng khi Trung Quốc gia nhập WTO cách đây 20 năm, các thành viên của tổ chức này kỳ vọng rằng các điều khoản được quy định trong "Nghị định thư gia nhập của Trung Quốc" sẽ xóa bỏ vĩnh viễn các chính sách và cách tiếp cận hiện có của Trung Quốc, bởi nó không tương thích với hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các chính sách cởi mở và định hướng thị trường.
Tuy nhiên, những kỳ vọng này của các thành viên WTO đã không thành hiện thực và Trung Quốc dường như không hề có sự thay đổi nào. Ngược lại, nước này còn tăng cường việc sử dụng các phương thức thương mại phi thị trường do nhà nước đóng vai trò chủ đạo, điều này đã gây tổn hại đến lợi ích của người lao động và các công ty của Mỹ và các nước khác.
Ông Bisbee cho biết mối quan tâm cơ bản nhất của Mỹ về hệ thống thương mại của Trung Quốc chính là các chính sách công nghiệp của nước này. Mặc dù các thành viên khác của WTO cũng đã tìm cách giúp các ngành công nghiệp của họ phát triển, nhưng cách tiếp cận của Trung Quốc hoàn toàn khác. Chính sách công nghiệp của Trung Quốc không chỉ định hướng và hỗ trợ cho các ngành công nghiệp ở trong nước.
Ông Bisbee nói, bằng việc thông qua các biện pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong nước, các chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã làm méo mó môi trường cạnh tranh liên quan đến các hoạt động nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, cũng như các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ nước ngoài. Các biện pháp này bao gồm hạn chế việc tiếp cận thị trường, hạn chế đầu tư...
Australia và Nhật Bản chỉ trích Trung Quốc không thực hiện cam kết và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước
Phái đoàn Trung Quốc tham gia cuộc họp gồm 20 thành viên do Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào dẫn đầu.
Giới thạo tin nói với hãng tin Reuters rằng ông Vương Văn Đào nói chính sách cơ bản của Trung Quốc là mở cửa nền kinh tế và cải cách sâu rộng bên cạnh việc tuân thủ các quy định của WTO.
Tuy nhiên, giới thạo tin cho biết các thành viên khác của WTO đã thúc giục Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh cải cách để đạt được sự minh bạch và cạnh tranh thị trường một cách công bằng hơn.
Có nguồn tin nói rằng Australia kêu gọi Trung Quốc từ bỏ "những đãi ngộ đặc biệt và khác biệt" mà họ đã được trao khi gia nhập WTO vào 20 năm trước, đồng thời cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc ngày càng không phù hợp với các những cam kết của họ trước đây tại WTO.
Các nguồn tin cho biết Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi nước này nên giải quyết vấn đề về trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và các biện pháp bóp méo thương mại.