Mỹ bác bỏ thẩm quyền của Tòa án Thế giới về lệnh trừng phạt Iran

(VOH) - Đội ngũ pháp lý của Mỹ ngày 14/9 dự kiến sẽ bác bỏ thẩm quyền của tòa án cao nhất Liên Hợp Quốc trong vụ kiện của Iran nhằm tìm cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Washington áp lên Tehran.

Trước đó vào năm 2018, Iran từng đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), hay còn gọi là Tòa án Thế giới, yêu cầu Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran vì vi phạm hiệp ước hữu nghị kéo dài hàng chục năm.

Vụ kiện này đã được ICJ ra phán quyết yêu cầu Mỹ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran. Bên cạnh đó, ICJ cũng yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận và cho phép một số hàng hóa vì mục đích nhân đạo được nhập khẩu vào Iran, trong đó có thực phẩm, thuốc men và dụng cụ y tế.

Đáp lại, Mỹ tuyên bố ICJ không có thẩm quyền xét xử vụ việc và bác bỏ phán quyết của tòa. Mặc dù vậy, trong quá khứ, Mỹ đã nhiều lần âm thầm hoặc công khai tuân thủ phán quyết của ICJ trong các vụ việc nước này bị xử thua.

Mỹ bác bỏ thẩm quyền của Tòa án Thế giới về lệnh trừng phạt Iran
Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) từng ra phán quyết yêu cầu Mỹ phải giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Ảnh: ICJ

Theo Reuters, từ trước đến nay Washington luôn khẳng định rằng mục đích thực sự đằng sau các vụ kiện của Iran là khôi phục hiệp ước hạt nhân JCPOA - thỏa thuận được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015 - vốn đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump phản đối và quyết định rút khỏi hiệp ước.  

Phía Iran lập luận rằng các biện pháp trừng phạt do Washington áp đặt khi Mỹ từ bỏ JCPOA là nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, điều này còn vi phạm “Hiệp ước Thân thiện, Quan hệ kinh tế và Quyền lãnh sự” mà Mỹ đã ký với Iran từ năm 1955. 

Quay lại diễn biến của vụ kiện mới nhất, các phiên xử diễn ra trong tuần này ở The Hague (Hà Lan) sẽ chỉ giải quyết vấn đề sơ bộ là liệu tòa án có thẩm quyền xét xử tranh chấp này hay không.

Mỹ bác bỏ thẩm quyền của Tòa án Thế giới về lệnh trừng phạt Iran
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng tuyên bố Mỹ sẽ hủy bỏ "Hiệp ước Thân thiện, Quan hệ kinh tế và Quyền lãnh sự" ký với Iran từ năm 1955 do Tehran nhiều lần lợi dụng văn kiện này gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong một vụ kiện khác trước đây vào năm 2019 liên quan đến phần tài sản của Iran bị Mỹ đóng băng, ICJ đã dựa trên Hiệp ước hữu nghị năm 1955 nói trên để cung cấp cơ sở pháp lý đến Tòa án quốc tế Liên Hiệp Quốc trong giải quyết mâu thuẫn giữa Iran và Mỹ.

ICJ là tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc chuyên giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn giữa các quốc gia. Phán quyết của ICJ có tính ràng buộc pháp lý, song cơ quan này không có chế tài cưỡng chế các quốc gia liên quan thi hành phán quyết. Trong quá khứ, cả Mỹ và Iran đều là những nước từng không tuân thủ các phán quyết của ICJ.

Bình luận