Chờ...

Mỹ đang thua trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Nga ở châu Phi?

VOH - Mỹ có kế hoạch rút quân khỏi Niger. Điều này được dự đoán mang lại cho Nga nhiều ảnh hưởng hơn tại châu Phi, khi mối quan hệ giữa phương Tây với lục địa đen rạn nứt.

Lầu Năm Góc cho biết, khoảng 1.000 binh sĩ ở Niger, dự kiến sẽ rút khỏi nước này sau khi kết thúc các cuộc đàm phán đang diễn ra. Đàm phán bắt đầu sau cuộc đảo chính quân sự ở quốc gia châu Phi vào năm ngoái.

Quân đội Mỹ huấn luyện tại Niger - Ảnh: The National

Buộc phải rút quân khỏi Niger, là trở ngại lớn đối với Hoa Kỳ, khi nước này chiến đấu chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan trên khắp Sahel - một khu vực đầy biến động trải dài từ Sénégal ở Tây Phi đến Biển Đỏ.

Mối nguy hiểm đối với Hoa Kỳ không chỉ là kìm chế ISIS, Boko Haram và các nhóm nổi dậy khác, mà còn là ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga, Iran và Trung Quốc. Tất cả đều đang tranh giành quyền lực ở Châu Phi cùng với phương Tây.

Nhưng các cường quốc phương Tây như Mỹ và Liên minh châu Âu, dường như đang thua.

Ông Joseph Siegle, chuyên gia nghiên cứu châu Phi tại đại học Quốc phòng Quốc gia Mỹ cho biết: “Đã có sự xói mòn trong hợp tác an ninh quốc tế. Lục địa đen đang mất niềm tin vào phương Tây, bởi phương Tây thất bại trong chống khủng bố.”

Ông Siegle cho rằng, sự thay đổi cũng do một loạt chính phủ bị lật đổ bởi quân đội và chiến dịch thông tin sai lệch chống phương Tây được hỗ trợ bởi Nga hoặc các quốc gia đối địch.

Theo ông, nguy cơ trước mắt của việc rút quân Mỹ khỏi Niger, là Sahel có thể bùng phát bạo lực nhiều hơn, do các nhóm cực đoan muốn lấp vào khoảng trống.

Mối đe dọa từ những nhóm liên kết với al-Qaeda hay ISIS, đã tăng vọt ở các quốc gia do chính phủ quân sự cai trị, như Mali – nước đã yêu cầu Pháp rút quân vào năm 2022, từ đó chứng kiến các nhóm khủng bố tăng gấp đôi diện tích kiểm soát lãnh thổ.

Ông Jacques Du Preez, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu tình báo Nam Phi “In on Africa” cảnh báo rằng, thiếu vắng Mỹ ở Sahel có thể tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, giống như sự trỗi dậy của IS vào năm 2014.

Ông nhấn mạnh, các quốc gia khác trong khu vực Sahel sẽ gặp rủi ro, nếu tình trạng bất ổn gia tăng, trong đó có Nigeria.

Một rủi ro ngắn hạn là Chad, nơi Mỹ đang tái bố trí binh sĩ sau cuộc đảo chính quân sự 3 năm trước. Tuy nhiên, đàm phán vẫn đang diễn ra. Lãnh đạo của Chad, ông Mahamat Idriss Déby, có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ.

Các chuyên gia cho biết, lãnh đạo Déby không có lý do gì để đẩy Mỹ ra khỏi đất nước. Tuy nhiên, Chad phải đối mặt với các phe phái chính trị khác trong nước, gần gũi với Nga hơn.

Ông Du Preez nói tiếp: “Nga đã đầu tư rất nhiều vào đối thủ tiềm năng của ông Déby. Có một động thái rõ ràng nhằm cô lập Chad khỏi cộng đồng quốc tế, và cố gắng thiết lập chế độ độc tài riêng.”

Trong khi các chuyên gia coi sự trỗi dậy của những chính quyền quân sự - và phương Tây bị gạt sang một bên, là tạo ra bất ổn và khủng bố, thì chính những nhà lãnh đạo quân sự lại viện dẫn các chính phủ không có khả năng trấn áp mối đe dọa cực đoan, để biện minh cho việc đảo chính của họ.

Chính phủ Niger sụp đổ trong cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 7/2023, mở đường cho Tướng Abdourahamane Tchiani lên nắm quyền. Ông hứa hẹn sẽ chống lại các mối đe dọa khủng bố hiệu quả hơn.

Thay vì quay sang phương Tây, tướng Tchiani thúc đẩy quan hệ với công ty quân sự tư nhân Wagner Group của Nga – đơn vị từ lâu đã khai thác tài nguyên của một số quốc gia châu Phi.

Tập đoàn Wagner trước đây được lãnh đạo bởi doanh nhân Yevgeny Prigozhin, người thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay vào tháng 8 năm ngoái.

Tập đoàn Wagner ở châu Phi dường như đã đổi tên thành “Quân đoàn Châu Phi” mới thành lập, đã cử chuyên gia huấn luyện quân sự đến Niger vào tháng 4/2024.

Nga cũng có quan hệ chặt chẽ về an ninh với Mali và Burkina Faso, cả hai đều do chính quyền quân sự kiểm soát. Tương tự là Libya - quốc gia đang bị giằng xé giữa hai phe đối địch. Cộng hòa Trung Phi cũng thân thiết với Nga, đang thảo luận về thỏa thuận tiếp nhận một căn cứ quân sự của Nga.

Sự hiện diện ngày càng thu hẹp của Mỹ ở Sahel, có thể sẽ khuyến khích thêm ảnh hưởng của Nga trong khu vực, đặc biệt nếu các mối đe dọa khủng bố gia tăng.

Ông Siegle cho biết, để Nga giành được ảnh hưởng, phương Tây sẽ phải trả giá. Không chỉ Nga, Trung Quốc cũng đang nhúng bàn tay của mình vào Châu Phi.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, một dự án đầu tư quy mô lớn chủ yếu vào cơ sở hạ tầng ở châu Á và châu Phi, đã tài trợ cho các quốc gia châu Phi mà phương Tây cáo buộc là mang tính bóc lột, nhằm tạo ảnh hưởng về quân sự, tài chính và chính trị cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ có một căn cứ quân sự ở châu Phi nằm tại Djibouti.

Iran cũng là một tay chơi khác trong khu vực, khi ủng hộ một nhóm ủy quyền có tên là Phong trào Hồi giáo Nigeria và chính phủ ở Sudan. Sudan đang chứng kiến cuộc nội chiến tàn khốc.

Năm ngoái, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã tới Kenya, Uganda và Zimbabwe, để củng cố mối quan hệ với ba quốc gia.

Bà Abigail Kabandula, giám đốc Trung tâm Châu Phi tại Đại học Denver cho biết, Mỹ đang mất đi ảnh hưởng ở châu Phi, một phần vì Washington thất bại trong việc giải quyết vấn đề khủng bố - mối đe dọa kéo dài nhiều chục năm qua. Thậm chí nhiều nước châu Phi còn tố cáo quân đội phương Tây, như quân đội Pháp, còn hợp tác với các nhóm Hồi giáo cực đoan.