Mỹ không loại trừ việc sử dụng vũ lực để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân

(VOH) - Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ không loại trừ việc sử dụng vũ lực như một biện pháp cuối cùng để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân nếu như tất cả các biện pháp khác thất bại.

Vào tối 13/7 theo giờ địa phương, trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình 12 của Israel khi đang ở thăm nước này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ không loại trừ việc sử dụng vũ lực như một biện pháp cuối cùng để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân nếu như tất cả các biện pháp khác thất bại.

Tổng thống Biden: Mỹ không loại trừ việc sử dụng vũ lực để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: AP

Truyền thông Israel đưa tin, khi trả lời phỏng vấn liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, Tổng thống Biden nói quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một sai lầm lớn, và điều này đã đưa Iran đến gần với việc sở hữu vũ khí hạt nhân hơn bao giờ hết. Ông Biden khẳng định, Mỹ vẫn có thể đạt được thỏa thuận với Iran nhằm cắt giảm chương trình hạt nhân của nước này giữa lúc Washington đang hành động chống lại Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nói rằng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục giữ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran trong "danh sách các tổ chức khủng bố" của nước này ngay cả khi Iran từ chối tái ký thỏa thuận JCPOA.

Tháng 7/2015, Iran đã ký thỏa thuận JCPOA với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Theo đó, Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của nước ngoài đối với nước này.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018 và tái áp đặt cũng như gia tăng các biện pháp trừng phạt của nước này đối với Iran. Đáp lại, Iran bắt đầu từ chối thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận trên kể từ tháng 5/2019, nhưng cho biết các biện pháp mà nước này thực hiện "có thể đảo ngược".

Kể từ tháng 4/2021, các bên còn lại tham gia ký kết thỏa thuận JCPOA đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán tại thủ đô Vienna của nước Áo nhằm thảo luận vấn đề Mỹ và Iran quay trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận trên. Mỹ tham gia đàm phán gián tiếp thông qua EU.

Đến nay, các bên đã tiến hành 8 vòng đàm phán và vòng đàm phán thứ 8 được tổ chức vào ngày 27/12 năm ngoái tại Vienna.

Ngày 11/3/2022, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, thông báo tạm dừng các cuộc đàm phán do xuất hiện những yếu tố bên ngoài.

Ngày 28 - 29/6 vừa qua, Iran và Mỹ đã tiến hành đàm phán gián tiếp tại thủ đô Doha của Qatar dưới sự điều phối của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thu hẹp những khác biệt còn tồn tại gây cản trở nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân nhưng không đạt được tiến triển đáng kể.