Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Hoa Kỳ (NHTSA) lần đầu tiên yêu cầu ARC Automotive thu hồi sản phẩm tự nguyện vào tháng 5, nhưng ARC đã từ chối.
Ngày 5/9, cơ quan này thông báo ấn định một cuộc họp công khai vào ngày 5/10 nhằm buộc các công ty trên phải thu hồi sản phẩm.
Bộ bơm hơi mà NHTSA đang yêu cầu thu hồi đã được sử dụng trên các phương tiện từ năm 2000 đến đầu năm 2018 của nhiều nhà sản xuất ô tô bao gồm General Motors, Ford Motor, Stellantis, Tesla, Toyota Motor, Hyundai, Kia, Mercedes-Benz, BMW và Volkswagen.
NHTSA cho biết: “Các bộ bơm túi khí bị vỡ khi được yêu cầu bung ra rõ ràng là bị lỗi, vì cả hai đều không bảo vệ được người ngồi trong xe như lẽ ra phải làm, và bản thân chúng cũng gây ra nguy cơ thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong”.
NHTSA đã nghiên cứu kỹ lưỡng các trường hợp vỡ túi khí trong hơn 15 năm. Trong thập kỷ qua, hơn 67 triệu máy bơm túi khí Takata đã bị thu hồi tại Hoa Kỳ và hơn 100 triệu chiếc bị thu hồi trên toàn thế giới, đây là đợt triệu hồi an toàn ô tô lớn nhất từng được ghi nhận.
Hơn 30 trường hợp tử vong trên toàn thế giới - trong đó có 26 trường hợp tử vong ở Mỹ - và hàng trăm người bị thương trên xe của nhiều hãng sản xuất ô tô khác nhau kể từ năm 2009 có liên quan đến bộ bơm túi khí Takata có thể phát nổ, làm văng các mảnh kim loại bên trong ô tô và xe tải.
NHTSA cho biết về 7 vụ vỡ cụm bơm hơi được xác nhận tại Hoa Kỳ trên những chiếc xe mà họ đang muốn thu hồi, trong đó có 7 người bị thương và 1 người tử vong.
ARC vào tháng 5 đã bác bỏ kết luận của NHTSA rằng có một khiếm khuyết tồn tại trong máy bơm hơi mà công ty này sản xuất. Cùng tháng, GM đã đồng ý thu hồi gần 1 triệu xe có bộ bơm hơi túi khí ARC sau khi xảy ra sự cố khiến tài xế bị thương ở mặt.
Delphi Automotive, được mua lại bởi Autoliv, đã sản xuất khoảng 11 triệu bộ bơm hơi cho đến năm 2004 theo thỏa thuận cấp phép với ARC - công ty sản xuất 41 triệu bộ bơm hơi còn lại.