Mỹ nói gì khi Nga và Belarus tập trận chung?

(VOH) - Ngày 10/2, Nga và Belarus đã bắt đầu cuộc tập trận chung trên bộ và trên biển kéo dài 10 ngày.

Cuộc tập trận này càng làm dấy lên mối lo ngại rằng Nga có thể tấn công quân sự vào nước láng giềng Ukraine. Nga đã tập kết hơn 100.000 quân ở khu vực biên giới với Ukraine trong một tháng qua.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho hay, khoảng 30.000 binh sĩ Nga được cho là đang có mặt ở Belarus để tham gia cuộc tập trận. Đây là đợt triển khai quân sự lớn nhất của Nga ở Belarus kể từ xảy ra Chiến tranh Lạnh đến nay.

Phía Nga cho biết cuộc tập trận nhằm đẩy lùi "sự xâm lược từ bên ngoài" và bác bỏ thông tin nói rằng nước này có kế hoạch tấn công Ukraine.

Mỹ nói gì khi Nga và Belarus tập trận chung giữa lúc khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang? 1
Xe tăng Nga diễn tập bắn đạn thật ở Belarus. (Ảnh: TV Zvezda)

Bộ Quốc phòng Nga cho hay, cuộc tập trận chung mang tên "Allied Resolve 2022" (tạm dịch là Quyết tâm đồng minh 2022) sẽ kéo dài đến ngày 20/2. Mục tiêu của cuộc tập trận là sát hạch các khả năng của quân đội Nga - Belarus trong việc ngăn chặn và đẩy lùi sự xâm lược từ bên ngoài thông qua các hoạt động phòng thủ, chống khủng bố và bảo vệ lợi ích của nhà nước liên minh.

Cuộc tập trận lần này diễn ra tại khu vực phía tây và phía nam của Belarus, giáp biên giới với Ba Lan. Về mặt địa lý, khu vực phía tây và phía bắc Belarus tiếp giáp với các quốc gia vùng Baltic như Lithuania và Latvia, còn phía nam tiếp giáp với Ukraine.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko công khai tuyên bố rằng, do sự hiện diện của các lực lượng NATO ở vùng biển Baltic và Ba Lan, cuộc tập trận lần này nhằm tạo sự chuẩn bị cho các lực lượng của Nga và Belarus để đối phó với một cuộc đối đầu quân sự có thể xảy ra, được khơi mào từ châu Âu.

Ngày 10/2, Ukraine cáo buộc Nga "lấy cớ tập trận hải quân" để phong tỏa một phần vùng biển Azov và Biển Đen ở phía nam nước này. Đồng thời, Ukraine cũng sử dụng các loại vũ khí và thiết bị quân sự do các đồng minh phương Tây cung cấp để tiến hành cuộc diễn tập quân sự của riêng mình vào cùng thời điểm Nga và Belarus tập trận chung.

Trong những ngày qua, Mỹ và các đồng minh đã tiến hành các hoạt động ngoại giao nhằm giảm leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngày 10/2, trong cuộc gặp với người đứng đầu liên minh quốc phòng NATO, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng vài ngày tới có thể là "thời điểm nguy hiểm nhất" trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trước đó vào ngày 9/2, Nhà Trắng nói rằng các cuộc tập trận quân sự giữa Nga và Belarus là một động thái giống như leo thang hơn là giảm leo thang.

Ngày 10/2, trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài MSNBC, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nói, bà cho rằng thời điểm diễn ra cuộc tập trận là "đáng ngờ và gây sốc".

Bà nói: "Chúng tôi rất lo ngại rằng Tổng thống Putin có thể đưa ra lựa chọn sai lầm". Ý của bà Sherman là Nga lựa chọn một cuộc tấn công bằng vũ lực hơn là một giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề Ukraine.

Cuối năm ngoái, Nga đã đưa ra các yêu cầu về đảm bảo an ninh, trong đó bao gồm đảm bảo việc NATO không mở rộng lực lượng về phía đông và không kết nạp Ukraine...

Tuy nhiên, trong các phản hồi chính thức gửi tới Nga vào cuối tháng 1/2022, Mỹ và NATO đều "phớt lờ" các yêu cầu trên của Nga.

Ngày 7/2 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm của ông tới Moscow. Ông Macron cho biết không có dấu hiệu rõ ràng nào về một bước đột phá ngoại giao ngoài cam kết của ông Putin là không leo thang cuộc khủng hoảng.

Bình luận