Philippines là quốc gia đang trong quá trình nghiên cứu sử dụng hạt nhân để khử carbon với mục tiêu giảm phát thải carbon và tăng cường tính độc lập về năng lượng.
Thỏa thuận mang tính lịch sử về hợp tác hạt nhân giữa Philippines và Mỹ, có tên "Thỏa thuận 123", sẽ cho phép Washington xuất khẩu công nghệ và vật liệu hạt nhân sang Manila, phục vụ cho mục tiêu trên, và các bên tham gia phải cam kết không sử dụng các nguyên liệu hạt nhân được chuyển giao để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Tại buổi lễ ký kết tổ chức bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 đang diễn ra tại thành phố San Francisco (Mỹ), Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết: "Mỹ sẽ có thể chia sẻ thiết bị và vật liệu với Philippines khi họ nỗ lực phát triển các lò phản ứng module nhỏ và cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân dân sự khác."
Được biết các cuộc đàm phán cho Thỏa thuận 123 được khởi động từ chuyến công du đến Philippines của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hồi tháng 11/2022.
Về phía Philippines, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr phát biểu: "Chúng tôi hướng đến việc năng lượng hạt nhân sẽ trở thành một phần trong cơ cấu năng lượng của Philippines vào năm 2032, và chúng tôi rất vui mừng được theo đuổi con đường này với Mỹ. Năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực mà chúng tôi có thể chứng minh rằng quan hệ liên minh và đối tác Philippines - Mỹ thực sự có hiệu quả".
Theo Reuters, sau khi được ký kết thì thỏa thuận cần được Quốc hội Mỹ thông qua ttrước khi chính thức có hiệu lực.
Philippines là một trong những quốc gia dễ bị tác động từ giá năng lượng biến động trên toàn cầu, hay xảy ra mất điện theo mùa và giá điện đang ở mức cao trong khu vực. Nước này đặt mục tiêu khai thác năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng phụ tải có thể thay thế trong bối cảnh tiến tới ngừng hoạt động hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện, phục vụ mục tiêu chung về khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng.