Nếu không có giải pháp, việc sử dụng nhựa trong nhóm G-20 sẽ tăng gấp 1,7 lần vào năm 2050

(VOH) - Tiêu thụ nhựa trong Nhóm G-20 vào năm 2050 sẽ cao gấp 1,7 lần so với năm 2019 nếu không có các biện pháp mới để giảm sử dụng, theo một nghiên cứu mới được công bố vào ngày 27/2.

Tổ chức Economist Impact và Nippon Foundation ước tính trong nghiên cứu chung của họ rằng, việc sử dụng nhựa có thể đạt 451 triệu tấn vào năm 2050, tăng từ 261 triệu tấn vào năm 2019 nếu không có biện pháp thích hợp.

Theo nghiên cứu này, ngay cả khi các quốc gia áp đặt lệnh cấm đối với một số sản phẩm nhựa hoặc có các biện pháp đánh thuế nhựa, thì lượng tiêu thụ ước tính vẫn đạt 325 triệu tấn.

rác thải nhựa
Ảnh chụp vào tháng 11/2021 cho thấy rác thải nhựa dạt vào đảo Ishigaki, tỉnh Okinawa. (Ảnh: Kyodo)

Đọc thêm: Ăn hàng tỷ vi hạt nhựa, cá voi thành loài động vật tiêu thụ rác thải nhựa lớn nhất hành tinh

Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng, nếu không có các biện pháp cứng rắn hơn theo các hiệp ước quốc tế - hiện đang được đàm phán, thì không thể ngăn chặn tình trạng ô nhiễm biển do rác thải nhựa.

Vào tháng 3/2022, 175 quốc gia đã ký Nghị quyết “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế" tại Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA). Các biện pháp cụ thể vẫn chưa được quyết định và một ủy ban đàm phán liên chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành dự thảo thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm 2024.

Liên Hợp Quốc cho biết, có khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa chảy vào đại dương hàng năm, với con số dự kiến ​​có khả năng tăng gấp 3 lần vào năm 2040. Nhựa cũng khiến hơn 800 loài sinh vật biển và ven biển gặp nguy hiểm do nguy cơ như nuốt và vướng phải.

G-20 đã tăng cường nỗ lực giảm ô nhiễm nhựa biển. Năm 2019, nhóm đã đồng ý tạo ra một khuôn khổ quốc tế để thúc đẩy các bước tự nguyện nhằm giải quyết vấn đề.

Các nước nhóm G-20 gồm các nước Argentina, Úc, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và EU.