Chờ...

Nga có thể giúp Israel giải thoát con tin?

VOH - Tính đến nay, đàm phán để giải phóng con tin đang bị giam ở Gaza giữa Israel và Hamas, do Hoa Kỳ - Ai Cập - Qatar làm trung gian, vẫn chưa có kết quả đột phá.

Thương lượng bị đình trệ trong nhiều tháng. Giữa bối cảnh này, có ý kiến nhận định, Israel nên tìm đến Nga nhờ giúp đỡ.

c_gaza
Xung đột Trung Đông hiện nay vẫn bế tắc - Ảnh: CNN

Vụ ám sát ông Ismail Haniyeh – thủ lĩnh chính trị và nhà đàm phá chính của Hamas ngày 31/7 tại Iran, đã làm phức tạp thêm các cuộc trao đổi. Không những vậy còn gây thêm căng thẳng giữa Israel với liên minh Hezbollah – Iran. Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo, vụ ám sát có thể dẫn tới 1 cuộc chiến lớn hơn, làm chệch hướng mọi nỗ lực ngoại giao.

Hoa Kỳ đang tích cực làm trung gian, nhằm phá vỡ thế bế tắc. Hiện nay mâu thuẫn chính được cho là nằm ở hành lang Philadelphi. Israel muốn kiểm soát dải đất này nhưng Hamas phản đối.

Hoa Kỳ nhấn mạnh, thỏa thuận nên đạt được càng sớm càng tốt, trong bối cảnh cuộc bầu cử tháng 11 đang tới gần. Họ sẽ ngưng làm cầu nối, nếu trong 2 tuần tới không có tiến triển. Điều này đang gây thêm áp lực lên tất cả các bên.

Hiện tại, Israel vẫn kiên quyết từ chối ngừng bắn, do chính trị nội bộ và quan ngại về an ninh từ bên ngoài. Thủ tướng Netanyahu ở thế bấp bệnh, phải cân bằng giữa áp lực quốc tế, các phe trong liên minh và sự nghiệp chính trị của bản thân.

Tổng thống Biden nhiều lần bày tỏ thất vọng, với tốc độ đàm phán chậm chạp, vì ông Netanyahu thiếu linh hoạt.

Theo chuyên gia Murad Sadygzade từ đại học HSE ở Moscow viết trên Russia Today, ông Netanyahu không thể nhượng bộ. Làm vậy chính phủ của ông sẽ sụp đổ do sự rút lui của những đảng cực hữu. Bản thân ông cũng sẽ đối mặt nhiều vấn đề pháp lý.

Khi Hoa Kỳ chán nản, Israel dường như tìm đến Nga. Theo văn phòng Thủ tướng Netanyahu, 1 quan chức phụ trách quốc phòng của Israel đã đi Moscow vào cuối tháng 8.

Israel nhờ Nga giúp đỡ có vẻ là điều bất ngờ, nhưng hợp lý.

Nga có quan hệ truyền thống với nhiều phe phái Palestine, như Fatah và Hamas. Bên cạnh đó, Nga cũng là đối tác quan trọng của nhiều quốc gia Trung Đông, như Iran – bên bảo trợ chính cho Hamas.

Ông Netanyahu hiểu rằng, giải phóng con tin hiện là ưu tiên số 1, khi áp lực trong nước tăng cao. Các cuộc biểu tình hàng loạt đã diễn ra.

Tìm đến Nga không chỉ là động thái ngoại giao, còn là bước đi nhằm duy trì ảnh hưởng chính trị. Mỗi ngày các con tin còn bị giam, là tăng nguy cơ ông bị cách chức.

Với Nga, động thái của Israel giúp nước này củng cố vị thế tại Trung Đông. Moscow có thể sử dụng ảnh hưởng của mình với Hamas, Fatah và Iran, để thúc đẩy 1 thỏa hiệp. Nếu Nga thành công trong sứ mệnh giải cứu con tin, được dự đoán sẽ tác động lớn tới tương lai cuộc xung đột ở Gaza.