Nga phản ứng gì khi EU nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu?

(VOH) - Theo Hãng tin Reuters, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia nhất trí về việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga ở mức 60 USD/thùng, dự kiến bắt đầu sớm nhất là từ ngày 5/12.

Trước đó,  Ba Lan thông báo đồng ý với kế hoạch tương tự của Liên minh châu Âu (EU) giữ cho giá trần đối với dầu mỏ Nga thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%.

Mức giá trần đối với dầu mỏ nhằm giảm thu nhập của Nga từ việc bán dầu, đồng thời ngăn giá dầu toàn cầu tăng đột biến sau khi lệnh cấm vận EU áp lên dầu thô của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12.

Nga phản ứng gì khi EU nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu 1
Ảnh minh họa: Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 2/11 xác nhận trên Twitter việc áp giá trần này sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt Nga, làm giảm doanh thu của Nga, ổn định thị trường năng lượng bằng cách cho phép các nhà khai thác có trụ sở tại EU vận chuyển dầu đến nước thứ ba với điều kiện giá dầu giao dịch dưới mức trần.

Các quan chức Mỹ cho biết thỏa thuận này là chưa từng có và thể hiện quyết tâm của liên minh phản đối cuộc chiến của Nga.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Leonid Slutsky cho rằng EU đang đe dọa an ninh năng lượng của chính mình khi áp giá trần dầu Nga và vi phạm luật thị trường.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố Nga sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì ra nước ngoài nếu điều này trái với lợi ích đất nước.

Phó Thủ tướng Alexander Novak cũng cho biết nước Nga sẽ chỉ làm việc theo điều kiện thị trường và sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt giá trần, không phải ở mức 60 USD/thùng hay bất kỳ giá nào khác.