Nga sẽ triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu?

(VOH) - Nga vừa cho biết nước này có thể sẽ buộc phải triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu như động thái đáp trả trước các kế hoạch mà Nga cho rằng tương tự từ NATO.

Đây là lời cảnh báo từ Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Điều này đã làm dấy lên thêm lo ngại về nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu, khi mâu thuẫn giữa các nước khu vực Đông và Tây Âu đang trong tình trạng nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay.

Theo ông Sergei Ryabkov, Nga có thể sẽ buộc phải hành động nếu các nước phương Tây từ chối tham gia Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ở châu Âu. Hiệp ước này là một phần của yêu cầu bảo đảm an ninh mà Nga đang mong muốn từ phương Tây, như một động thái nhằm “xoa dịu” cuộc khủng hoảng Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho rằng có dấu hiệu cho thấy NATO đang tiến gần hơn đến việc triển khai lại các tên lửa tầm trung, trong đó có việc khôi phục Bộ Tư lệnh Pháo binh số 56 vào tháng 1. Đây là nơi vận hành tên lửa tầm trung Pershing có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Ông Sergei Ryabkov cho biết, việc thiếu các giải pháp về chính trị và ngoại giao có thể sẽ khiến nước này phải ứng phó bằng phương thức quân sự và sử dụng công nghệ quân sự.

“Nếu điều này xảy ra, thì giai đoạn tiếp theo sẽ là sự đối đầu”, ông Ryabkov nói, hàm ý về việc Nga có khả năng triển khai tên lửa.

Nga sẽ triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu?
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: Reuters

Về phía Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức này khẳng định Mỹ sẽ không triển khai thêm tên lửa ở châu Âu và sẵn sàng đối phó Nga bằng những biện pháp chỉ liên quan đến vũ khí thông thường.  

Tuy nhiên, ông Ryabkov cho rằng Nga "hoàn toàn thiếu tin tưởng" vào NATO. "NATO tin rằng có thể hành động khi cần, có lợi cho họ. Điều này sẽ không tiếp diễn", ông Ryabkov nói.

Các loại vũ khí hạt nhân tầm trung - với tầm hoạt động từ 500 - 5.500km - đã bị cấm ở châu Âu theo Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), ký kết vào năm 1987 giữa lãnh đạo Liên bang Soviet thời đó là Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhằm kéo giảm căng thẳng thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tính đến năm 1991, hai bên đã phá hủy gần 2.700 vũ khí loại này.

Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi INF vào năm 2019 vì cho rằng Nga đã vi phạm hiệp ước, trong khi Nga từng nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Bình luận