Trong một báo cáo được công bố trước thềm hội nghị các nhà tài trợ diễn ra tại Brussels (Bỉ) và nhân kỷ niệm một năm kết thúc cuộc chiến cuối cùng ở Gaza, WB đã cho thấy bức tranh tương phản về nền kinh tế Palestine, đặc biệt là hiện tượng "người mới nghèo" ở các vùng nông thôn của Bờ Tây bị chiếm đóng, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế đang phục hồi.
Sau một năm suy thoái vì đại dịch, nền kinh tế Palestine đã khởi sắc vào năm 2021.Sự gia tăng số lượng giấy phép lao động tại Israel và các khu định cư cho người Palestine ở Bờ Tây đã đóng góp vào mức tăng trưởng 7,8% của GDP.
Trong khi đó, tại Dải Gaza, tốc độ tăng trưởng bị "chậm lại" do cuộc chiến vào tháng 5/2021 giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, tuy nhiên kinh tế vùng này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 3,4%, theo WB.
Sự phục hồi kinh tế này giúp chính quyền Palestine tăng thêm thu nhập từ thuế. Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp này, báo cáo của WB vẫn chỉ ra "tài chính của Palestine vẫn rất bấp bênh" và kêu gọi các nước quyên góp "hỗ trợ ngân sách cho Chính quyền Palestine".
Cũng theo báo cáo, "thâm hụt ngân sách của Chính quyền Palestine đã lên tới 1,26 tỷ USD (1,20 tỷ euro) trong năm 2021, trong khi viện trợ quốc tế đạt mức thấp nhất lịch sử 317 triệu USD (300 triệu euro)" do không có sự đóng góp của một số quốc gia vùng Vịnh và "sự chậm trễ" trong các khoản thanh toán từ Liên minh Châu Âu. Kết quả là thâm hụt thực tế lên tới 940 triệu USD (892 triệu euro), buộc Chính quyền Palestine phải giảm trả lương cho nhân viên.
Theo phát ngôn viên của chính phủ Palestine, Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh đã hội đàm với các quan chức châu Âu tại Brussels hôm thứ Hai với hy vọng thuyết phục họ về "một bước tiến mới trong lập trường của châu Âu về sự ủng hộ Chính quyền Palestine".