Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ngành công nghiệp thuốc lá là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường cao

(VOH) – Với hàng tỷ tàn thuốc và tất cả nhựa được sử dụng trong thành phần của thuốc lá điện tử, ngành công nghiệp thuốc lá là một trong những ngành gây ô nhiễm tồi tệ nhất trên thế giới.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tăng cường sức khỏe, Rüdiger Krech, hồi đầu tuần vừa trình bày một báo cáo, nhân Ngày quốc tế không thuốc lá, với kết luận rằng ngành công nghiệp thuốc lá là "một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất mà chúng ta biết".

Báo cáo của WHO đã xem xét toàn bộ tác động của ngành công nghiệp này với môi trường, từ việc trồng trọt đến sản xuất ra các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả việc tiêu thụ và chất thải.

thuoc-la
Mỗi đầu lọc trong số 4,500 tỷ tàn thuốc có trong tự nhiên có thể gây ô nhiễm tới 100 lít nước mỗi năm

Theo báo cáo, ngành công nghiệp này là nguyên nhân của việc mất đi 600 triệu cây xanh, hàng năm việc trồng thuốc lá sử dụng đến 200.000 hecta đất và 22 tỷ tấn nước, đồng thời thải ra khoảng 84 triệu tấn CO2.

Rüdiger Krech cũng cho biết: "Những mảnh vụn của các sản phẩm thuốc lá, thứ hay bị vứt bỏ nhiều nhất trên toàn cầu chứa đến hơn 7.000 hợp chất hóa học".

Đồng thời Rüdiger Krech cũng chỉ ra, mỗi đầu lọc trong số 4,500 tỷ tàn thuốc có trong tự nhiên có thể gây ô nhiễm tới 100 lít nước mỗi năm.

Hơn nữa, các mối nguy hại đối với sức khỏe từ thuốc lá không chỉ giới hạn ở việc tiêu thụ và chất thải, khi có gần tới 1/4 số người trồng thuốc lá mắc phải bệnh thuốc lá xanh, một dạng ngộ độc do hấp thụ nicotin qua da.

Ông Krech giải thích, khi tiếp xúc thường xuyên với lá thuốc, những người canh tác sẽ tiêu thụ lượng nicotine tương đương với 50 điếu thuốc lá mỗi ngày, đồng thời nhấn mạnh rằng một số lượng lớn trẻ em đang được sử dụng trong ngành công nghiệp thuốc lá.

“Hãy tưởng tượng việc một đứa trẻ 12 tuổi tiếp xúc với 50 điếu thuốc mỗi ngày,” ông kết luận.

Theo báo cáo, thuốc lá thường được trồng ở các nước khá nghèo, nơi thường khan hiếm nước và đất canh tác, và nơi trồng loại cây này cũng là nơi giữ vai trò sản xuất lương thực rất quan trọng.

Việc trồng thuốc lá cũng là nguyên nhân gây ra khoảng 5% nạn phá rừng trên thế giới, và góp phần làm cạn kiệt nguồn dự trữ nước quý giá.

Quá trình chế biến và vận chuyển thuốc lá còn phát thải một lượng khí nhà kính toàn cầu tương đương với 1/5 lượng khí thải carbon của ngành hàng không.

WHO đã đưa ra cảnh báo về các sản phẩm có nguồn gốc từ thuốc lá như thuốc lá điếu, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử đều góp phần đáng kể vào sự tích tụ ô nhiễm nhựa trên thế giới.

Bộ lọc thuốc lá chứa các vi nhựa, những mảnh nhựa nhỏ này được tìm thấy trong các đại dương trên khắp thế giới, bao gồm cả dưới đáy rãnh Mariana, nơi sâu nhất trên thế giới, điều này đã khiến nơi đây trở thành nguồn ô nhiễm nhựa lớn thứ hai trên thế giới.

Hơn hết, không có bằng chứng nào cho thấy thuốc điếu đầu lọc đem lại lợi ích cho sức khỏe như những gì ngành công nghiệp thuốc lá tuyên bố, WHO nhấn mạnh.

Do đó, cơ quan Liên Hợp Quốc cũng đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới xem đầu lọc thuốc lá là nhựa chỉ sử dụng một lần và xem xét việc cấm chúng.

Liên Hợp Quốc cũng rất lấy làm tiếc khi những người nộp thuế trên khắp thế giới đang phải gánh chịu các khoản chi phí khổng lồ để làm sạch chất thải của ngành công nghiệp thuốc lá.

Cũng theo báo cáo, hằng năm Trung Quốc phải chi khoảng 2,6 tỷ USD để xử lý chất thải từ các sản phẩm thuốc lá. Chi phí này với Ấn Độ là 766 triệu USD, Brazil và Đức mỗi nước phải chi 200 triệu USD.

Trước tình trạng này, WHO khẳng định sẽ có nhiều quốc gia noi gương Pháp và Tây Ban Nha trong việc áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải nộp tiền.

Theo Rüdiger Krech, điều quan trọng hơn hết là "ngành công nghiệp này thực sự phải trả giá cho những thiệt hại mà nó đang tạo ra".

Bình luận