Hãng tin Reuters cho biết, khi được hỏi rằng Anh sẽ truy cứu trách nhiệm của Taliban bằng cách nào, ông Raab nói: "Thông qua việc hợp tác với các đối tác, chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp, từ việc trừng phạt mà chúng tôi có thể thực hiện cho đến việc tạm ngừng cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA)".
Ngoại trưởng Anh cũng nói rằng, bất kể là việc tăng cường các biện pháp trừng phạt mới hay dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện hành, “Các công cụ tài chính của chúng tôi sẽ tùy vào hành động của Taliban".
Ông Raab khẳng định, nếu Taliban không tôn trọng nhân quyền hoặc biến đất nước Afghanistan thành căn cứ của các phần tử khủng bố, các đối tác phương Tây cũng sẽ cân nhắc việc áp đặt các biện pháp trừng phạt và ngừng cung cấp viện trợ.
"Đây không phải là điều chúng tôi muốn", ông Raab nói, "nhưng chúng tôi phải đối mặt với một thực tế mới".
Hiện chính phủ các nước phương Tây đang thảo luận về cách thức đối phó với tình hình ở Afghanistan, nơi có vô số người dân đang chìm trong tuyệt vọng.
Ông Raab cho biết mọi người đều rất ngạc nhiên trước quy mô và tốc độ "tiếp quản" Afghanistan của các tay súng Taliban.
Ban đầu, chính phủ Anh dự định cử 600 binh sĩ tới thủ đô Kabul của Afghanistan để hỗ trợ việc sơ tán, nhưng hiện nay con số này đã tăng lên đến 900 binh sĩ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson dự định tổ chức một cuộc họp trực tuyến các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) để bàn cách đối phó với tình hình ngày càng xấu đi ở Afghanistan. Chính phủ Anh cũng đang nỗ lực sơ tán công dân nước này và những người khác khỏi Kabul.
Ngày 16/8, Thủ tướng Johnson đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhất trí về cách thức hai nước có thể làm việc cùng nhau để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo và người tị nạn sau khi Afghanistan rơi vào tay Taliban.
Dự kiến, cuộc họp trực tuyến các nhà lãnh đạo G7 sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng Anh và Pháp nên hợp tác với nhau tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bao gồm việc đưa ra nghị quyết chung giữa hai nước.
Trước đó vào ngày ngày 15/8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước sau khi phe nổi dậy Taliban tiến vào Kabul, giành lại quyền kiểm soát thủ đô sau hai thập kỷ bị đánh bại bởi sự can thiệp của Mỹ ở Afghanistan.
Nhiều người dân Afghanistan lo sợ rằng sau khi Taliban lên nắm quyền, nước này sẽ quay trở lại thời kỳ cai trị hà khắc như trước đây.