Ngày 14/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt thị thực đối với giám đốc điều hành một số doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, các quan chức trong chính quyền và trong lực lượng Hải quân cũng như những người Trung Quốc khác đã tham gia vào các hoạt động gây hấn quân sự của nước này tại khu vực Biển Đông.
Theo lệnh trừng phạt, chính phủ Mỹ nghiêm cấm những người này và các thành viên trong gia đình của họ nhập cảnh vào Mỹ.
Trong một tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo nói Mỹ và tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp đều quan tâm đến việc duy trì một Biển Đông tự do và rộng mở.
Tất cả các nước, bất kể sức mạnh quân sự và kinh tế của họ như thế nào cũng đều được hưởng các quyền và tự do, được sự bảo vệ của luật pháp quốc tế và được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà không sợ bị bắt nạt.
"Hôm nay, Mỹ đang có những động thái tiếp theo để bảo vệ các quyền và tự do này", Ngoại trưởng Pompeo nói.
>>> Sáng nay 14/7, Mỹ thẳng thừng bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Ông cũng cho biết, theo Điều 212 (a) (3) (C) của Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch (INA), Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp đặt các biện pháp hạn chế về thị thực đối với một số cá nhân tại Trung Quốc, bao gồm giám đốc điều hành của một số doanh nghiệp nhà nước, các quan chức trong chính quyền và trong lực lượng Hải quân cũng như những người Trung Quốc khác chịu trách nhiệm hoặc tham gia vào việc cải tạo, xây dựng và quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông, hoặc tham gia vào việc Trung Quốc dùng biện pháp cưỡng ép đối với các nước Đông Nam Á có tranh chấp ở Biển Đông để ngăn cản các nước này tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi.
Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo rằng các thành viên gia đình của những người bị trừng phạt cũng có thể phải chịu các hạn chế về thị thực này.
Tháng 8/2020, chính phủ Mỹ đã công bố các biện pháp hạn chế thị thực tương tự, nhưng Bộ Ngoại giao khi đó không nói rõ các quan chức Trung Quốc và giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước là những đối tượng sẽ bị trừng phạt.
Trước đó vào tháng 7/2020, Mỹ đã chính thức bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời lên án "hành động bắt nạt" của nước này đối với các quốc gia trong khu vực.