Cộng đồng quốc tế khẩn cấp hỗ trợ Ấn Độ
Theo đó, 100 máy thở, 95 thiết bị tập trung oxy lưu lượng cao do Anh hỗ trợ đã đến thủ đô Delhi của Ấn Độ vào hôm nay 27/4. Trong khi đó, Đại sứ quán Pháp cho biết các trang thiết bị, vật phẩm y tế hỗ trợ từ Pháp gồm máy tập trung oxy đủ cung cấp cho 250 bệnh nhân trong vòng 1 năm đang trên đường đến Ấn Độ.
Ngay cả Trung Quốc và Pakistan - hai quốc gia vốn thường xuyên xảy ra giao tranh tại khu vực biên giới với Ấn Độ cũng đang triển khai phối hợp vận chuyển hàng viện trợ y tế đến quốc gia này.
Trước đó vào ngày 25/4, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ gửi nguyên liệu thô sản xuất vắc-xin, thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ cho Ấn Độ. Ngoài ra, Đức cũng tham gia hỗ trợ Ấn Độ chống dịch bằng cách gửi oxy và cho biết sẽ làm tất cả để giúp người Ấn vượt qua tình hình nguy cấp.
Tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) bà Ursula von der Leyen công bố kế hoạch viện trợ ôxy và thuốc cho Ấn Độ, nói rằng tổ chức này đang "tập hợp nguồn lực để hồi đáp nhanh chóng yêu cầu hỗ trợ" của quốc gia 1,3 tỷ dân.
Hiện tại, “tàu tốc hành oxy” mang theo 70 tấn khí oxy đầu tiên từ khu vực các bang miền đông Ấn Độ đã đến được thủ đô New Delhi, nhưng có vẻ như tình hình vẫn chưa được cải thiện là bao tại thủ đô với dân số 20 triệu người - và cũng là một trong những tâm điểm của đợt bùng phát dịch mạnh nhất tại quốc gia tỷ dân này.
Tâm điểm của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ là bang Maharashtra giàu nhất nước, với thủ phủ tài chính Mumbai. Chỉ riêng bang miền tây này đã có hơn 1 triệu ca mắc mới tính từ đầu tháng 4.
Tiến sĩ K. Preetham - quản lý Trung tâm Chấn thương Ấn Độ cho biết, việc thiếu hụt và cạn kiệt nguồn oxy chính là mối quan ngại lớn nhất trong thời điểm hiện nay. “Trong vòng 7 ngày qua hầu như phần lớn chúng tôi đều không thể chợp mắt được. Chúng tôi đã buộc phải để 2 bệnh nhân cùng sử dụng chung 1 nguồn oxy vì quá thiếu hụt.”
Ấn Độ "vỡ trận" vì Covid-19
Trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 323.144 ca nhiễm mới Covid-19 - có giảm so với con số ghi nhận đỉnh điểm vào thứ Hai, và thêm 2.771 trường hợp tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì căn bệnh này lên 197.894 người.
Mặc dù vậy, chuyên gia Rijo M John từ Viện Quản lý Ấn Độ ở bang Kerala cho rằng, số người nhiễm mới có giảm thực chất là do số người được xét nghiệm giảm. “Không thể nói rằng số ca nhiễm đang giảm, chỉ là đang bỏ qua số ca nhiễm nhưng chưa được phát hiện mà thôi”, ông Rijo M John đăng tải trên Twitter.
Trước làn sóng lây nhiễm nằm ngoài tầm kiểm soát, thủ đô Delhi đã tiến hành phong tỏa toàn thành phố cho đến ngày 3/5. Biện pháp này cũng được các bang gồm Karnataka và bang chịu ảnh hưởng nặng nhất là Maharashtra áp dụng. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn một số bang dự định sẽ gỡ bỏ một số giới hạn trong tuần này.
Hiện tại, Ấn Độ đã phải triển khai các đơn vị lực lượng vũ trang cùng hỗ trợ phòng chống dịch trước tình trạng vỡ trận gần như hoàn toàn của hệ thống y tế quốc gia.
Cảnh tượng dịch bệnh ở Ấn Độ hiện nay được ví như ngày tận thế khi hàng ngàn tử thi được lập dàn hỏa thiêu ngay ngoài trời và vô số người bệnh kêu cứu vì không có giường bệnh, cạn kiệt nguồn oxy và thậm chí tử vong ngay trước cửa bệnh viện.
Nguyên nhân và lời cảnh báo đến những quốc gia khác
Việc Ấn Độ nhanh chóng rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ hiện nay là kết quả trực tiếp từ tâm lý chủ quan của người dân và sự thiếu chuẩn bị của chính phủ.
Khi số ca nhiễm giảm đáng kể cho đến giữa tháng 2, Chính phủ Ấn Độ và các nhà hoạch định chính sách đã sớm tuyên bố chiến thắng trước đại dịch. Đầu tháng 3, các bộ trưởng cấp cao đã nói về sự kết thúc của dịch bệnh ở Ấn Độ.
Các sự kiện văn hóa xã hội đòi hỏi phải tập trung đông người như các cuộc vận động bầu cử theo lịch trình ở địa phương và lễ hội Kumbh Mela kéo dài đến một tháng - tiềm ẩn nguy cơ siêu lây nhiễm nhưng vẫn được tổ chức bình thường - là cú hích khiến dịch bệnh lan ra mạnh mẽ vượt kiểm soát tại Ấn Độ.
Theo Reuters, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi từng từ chối hoãn lễ hội Kumbh Mela có thể nhiều khả năng vì lo ngại sự phản đối của các nhà lãnh đạo tôn giáo tại một quốc gia có vốn có phần đông dân số theo đạo Hindu như Ấn Độ.
Kumbh Mela là một lễ hội quan trọng của người Hindu và là một trong những cuộc hành hương lớn nhất trên Trái đất. Hàng triệu người Ấn Độ đang di chuyển từ khắp đất nước đến Haridwar, một thành phố cổ ở bang Uttarakhand, để tham dự các nghi lễ, cầu nguyện và cùng tắm trên sông Hằng. Họ quan niệm điều này sẽ giúp gột rửa được những tội lỗi của mình. “Chúng tôi tin rằng Mẹ sông Hằng sẽ bảo vệ chúng tôi”, một người dân trả lời khi được kêu gọi thực hiện các biện pháp giãn cách phòng chống dịch.
Bên cạnh các hoạt động không phù hợp trong cuộc chiến chống Covid-19, Giám đốc Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ (AIIMS) Randeep Guleria nhận định biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm mạnh hơn cũng là nguyên nhân chính khiến làn sóng lây nhiễm thứ 2 bùng phát dữ dội tại Ấn Độ.
Theo ông Guleria, người dân Ấn Độ bắt đầu lơ là các quy tắc chống dịch trong 2 tháng đầu năm nay khi chương trình tiêm phòng Covid-19 được triển khai và số ca nhiễm sụt giảm. Tuy nhiên, đây cũng là lúc virus SARS-CoV-2 đột biến và lây lan nhanh chóng hơn.
Mặt khác, Phòng Thương mại Mỹ cũng đưa ra cảnh báo nền kinh tế Ấn Độ - đứng thứ 6 trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới - có thể sẽ tiếp tục chững lại vì khủng hoảng Covid-19 và tạo nên lực cản đối với nỗ lực hồi phục kinh tế trên toàn cầu.
Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 17,6 triệu ca nhiễm và gần chạm mốc 200.000 ca tử vong do Covid-19, là vùng dịch lớn thứ hai thế giới. Nhiều quốc gia đã đình chỉ bay và cấm nhập cảnh người đến từ Ấn Độ trong bối cảnh nước này ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong 5 ngày liên tiếp.
Làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến quốc gia Nam Á như "cơn sóng thần" và đã "nhấn chìm" mọi thành tựu chống dịch trước đó. Đó là thảm kịch, cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia khác về sự lơ là và chủ quan với Covid-19.