Xem nguyệt thực 19/11 ở Việt Nam: Hà Nội hay TPHCM dễ quan sát?

(VOH) - Vào ngày mai 19/11, người dân trên khắp thế giới sẽ được chứng kiến hiện tượng nguyệt thực một phần được đánh giá là dài nhất thế kỷ.

Theo dự báo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), hiện tượng nguyệt thực một phần của Mặt trăng Micro Beaver năm nay sẽ kéo dài trong khoảng 3 giờ 28 phút 23 giây; bắt đầu vào lúc 7h19, đạt cực đại lúc 9h và kết thúc lúc 10h47 (theo giờ UTC) ngày 19/11. Sở dĩ có tên gọi Micro Beaver vì nguyệt thực xảy ra vào lúc Mặt trăng có kích thước cực nhỏ do đang ở điểm xa Trái đất nhất (micro) và đang chuẩn bị vào mùa săn mồi của loài hải ly (beaver).  

Xem trực tiếp nguyệt thực (nguồn: livescience.com)

 

Nguyệt thực là gì?

Nguyệt thực xảy ra khi Mặt trăng đi qua một số vùng của bóng Trái đất vào thời điểm Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng thẳng hàng - hoặc gần thẳng hàng với nhau, trong đó Trái đất đứng giữa. Lúc này, Mặt trăng bị Trái đất che khuất; hay nói cách khác, Mặt trăng không nhận được ánh sáng từ Mặt trời và trở nên tối dần đi.

Phần bóng của Trái đất gồm hai phần hình nón, trong đó phần này nằm bên trong phần kia. Bên ngoài là vùng bóng nửa tối (Penumbra) - là khu vực mà Trái Đất chỉ chắn được một phần ánh sáng Mặt trời. Ngược lại, vùng bóng tối bên trong (Umbra) là khu vực Trái đất chắn tất cả ánh sáng trực tiếp từ Mặt trời trên đường đến Mặt Trăng.

Hiện tượng nguyệt thực thường được chia làm 3 loại: nguyệt thực nửa tối, nguyệt thực một phần và nguyệt thực toàn phần. 

Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối (Penumbra) của Trái đất. Lúc này Mặt trăng chỉ giảm độ sáng đi một chút.

Nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng chỉ có một phần ở vùng bóng tối của Trái Đất. Mặt Trăng bị che khuất một phần và dễ dàng quan sát được bằng mắt thường.

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt trăng đi vào vùng bóng tối (Umbra) của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn. 

Nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ sẽ diễn ra vào ngày mai 19/11
Vị trí của Mặt trời, Trái đất, và Mặt trăng trong một nguyệt thực. Bóng tối của Trái đất gồm 2 phần: phần bóng tối (Umbra) và phần bóng nửa tối (Penumbra).

Khi một nguyệt thực diễn ra, cư dân tại mặt đêm của Trái Đất có thể nhìn thấy được. Khoảng 35% nguyệt thực thuộc dạng nguyệt thực nửa tối, là loại nguyệt thực rất khó để nhận ra ngay cả với kính thiên văn, 30% tiếp theo là nguyệt thực một phần, có thể nhận ra dễ dàng bằng mắt thường, 35% còn lại là nguyệt thực toàn phần.

Năm nay, hiện tượng nguyệt thực một phần được xem là dài nhất thế kỷ. Trước đó vào năm 2018, hiện tượng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ cũng đã diễn ra, kéo dài 1 giờ 43 phút. Ngoài ra, sắp tới thế giới cũng sẽ chứng kiến thêm một lần nguyệt thực một phần kéo dài khác, được đánh giá là dài nhất trong vòng 580 năm - theo Đài Thiên văn Holcomb tại Đại học Butler, bang Indiana, Mỹ.  

Xem nguyệt thực 2021 ở Việt Nam

Nếu theo múi giờ tại Hà Nội thì nguyệt thực một phần vào ngày mai sẽ bắt đầu lúc 14h19, đạt cực đại lúc 16h và kết thúc vào 17h47 chiều cùng ngày. Đây là thời điểm trăng chưa mọc; do vậy, dù là nguyệt thực dài nhất thế kỷ, người dân Việt Nam chỉ có thể quan sát một phần hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Tại Hà Nội, kể từ khi Mặt trăng xuất hiện ở đường chân trời, người dân sẽ có khoảng 30 phút để quan sát giai đoạn cuối của nguyệt thực một phần. Tại TPHCM, do Mặt trăng mọc khá muộn, người dân tại khu vực này chỉ có khoảng 20 phút để quan sát nguyệt thực một phần.

Nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ sẽ diễn ra vào ngày mai 19/11
Hiện tượng nguyệt thực một phần

Nơi nào xem nguyệt thực rõ nhất

Hiện tượng nguyệt thực một phần năm nay có thể quan sát dễ dàng tại từ Bắc Mỹ và Thái Bình Dương, Alaska, Tây Âu và khu vực phía đông một số nước hư Australia, New Zealand và Nhật Bản. Ngược lại, các nơi như châu Phi, Trung Đông và khu vực Tây Á lại chưa thể quan sát được hiện tượng thiên văn lần này.

Mặc dù vậy, nguyệt thực có xu hướng xảy ra 2 lần/năm; và theo dự báo, vào khoảng ngày 15-16/5/2022 sẽ xuất hiện một đợt nguyệt thực toàn phần tiếp theo; và vào khoảng  ngày 7-8/11/2022 chúng ta sẽ lại có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú này một lần nữa.