Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhật – Anh – Ý muốn ra mắt mô hình chiến đấu cơ kế tiếp vào năm 2026

VOH – Liên doanh sản xuất máy bay thế hệ kế tiếp của Nhật, Anh và Ý hy vọng, có thể ra mắt mô hình sớm nhất vào năm 2026.

Theo Nikkei Asia, các nhà lập pháp Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về một hiệp ước, nhằm thành lập cơ quan quản lý quá trình sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, đang được phát triển bởi nước này với Anh và Ý.

z5388441670913_1b9038fab663b1d9ec58b55ca4ca19e6
Mô hình chiến đấu cơ thế hệ 6 dự kiến của Nhật, Anh và Ý - Ảnh: Nikkei Asia

Dựa trên thỏa thuận đạt được giữa các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, Anh và Ý vào năm ngoái, hiệp ước thành lập cơ quan này cần phải được quốc hội mỗi nước phê chuẩn.

Mục tiêu là ra mắt tổ chức liên Chính phủ, quản lý quá trình sản xuất máy bay thế hệ thứ 6 (GIGO) vào cuối năm nay. Sau đó, 1 hình mẫu sẽ ra đời.

GIGO đóng vai trò điều phối cho các Chính phủ và công ty tham gia dự án.

Ngoại trưởng Nhật Yoko Kamikawa cho biết tại 1 phiên họp của Hạ viện: “GIGO sẽ quản lý sự hợp tác giữa các Chính phủ, cũng như giữa các công ty tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dự án một cách suôn sẻ.”

GIGO có trụ sở tại Vương quốc Anh và tuyển dụng hàng trăm nhân viên từ ba quốc gia.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tham gia một cơ quan quốc tế, để cùng phát triển thiết bị quốc phòng với nhiều nước. Hàng chục quan chức Bộ Quốc phòng Nhật, dự kiến sẽ được cử tới tổ chức này.

GIGO bao gồm một ban chỉ đạo đảm bảo ngân sách và xử lý việc lập kế hoạch, cùng một cơ quan chịu trách nhiệm các hoạt động thực tế. Hai đơn vị sẽ tham gia vào tất cả giai đoạn của dự án. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành. Dự kiến người đứng đầu của tổ chức sẽ mang quốc tịch Nhật Bản.

Máy bay thế hệ thứ 6, sẽ được sản xuất bởi một liên doanh giữa ba nước.

Mitsubishi Heavy Industries tham gia phát triển thân máy bay. Công ty kỹ thuật IHI của Nhật Bản xử lý phần động cơ. Mitsubishi Electric phụ trách hệ thống điện tử. BAE Systems và Rolls-Royce của Anh, cũng như Leonardo của Ý tham gia một số công đoạn khác.

Chế tạo máy bay phản lực là cơ hội được chờ đợi từ lâu, để các doanh nghiệp quốc phòng Nhật Bản tham gia toàn diện vào một dự án lớn.

Dự kiến sản phẩm sẽ ra mắt vào năm 2035, trở thành phiên bản kế thừa của máy bay chiến đấu F-2 trong Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản, với sức mạnh vượt trội máy bay chiến đấu của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Đây cũng là dự án quốc phòng đầu tiên Nhật Bản hợp tác với quốc gia ngoài Hoa Kỳ.

Phát triển thiết bị quốc phòng tiên tiến là vô cùng tốn kém, khiến việc chia sẻ rủi ro và chi phí thông qua hoạt động phát triển chung với nhiều nước, là điều cần thiết. Eurofighter – loại máy bay chiến đấu chủ lực của vương quốc Anh hiện nay, được phát triển bởi bốn quốc gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara đã báo hiệu về kế hoạch chuyển trọng tâm vào hợp tác quốc tế, để phát triển thiết bị cho lực lượng không quân. Ông nói về sự hợp tác với Anh và Ý về dự án sản xuất máy bay phản lực, là rủi ro cũng như chi phí sẽ được chia sẻ.

Dẫu vậy, giảm chi phí không phải mục tiêu duy nhất của Nhật Bản, trong hợp tác với các nước châu Âu. Vận hành cùng một loại máy bay chiến đấu, có lợi thế là dễ dàng tăng cường hợp tác sâu sắc hơn trong hợp đồng tác chiến.

Những năm gần đây, Nhật Bản kêu gọi châu Âu tham gia vào giải quyết vấn đề an ninh ở Đông Á. Quyết định phát triển máy bay chiến đấu với Anh và Ý, cũng nhằm tăng cường ý tưởng này. Quân đội Nhật Bản và châu Âu thường tổ chức tập trận chung, là điều được hình dung nhằm chuẩn bị các tình huống trong tương lai.

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu Nhật Bản và NATO, vốn đang gấp rút tăng cường quan hệ, cùng phát triển máy bay phản lực, Tokyo sẽ nhận được thông tin về các thiết bị tiên tiến, như máy bay không người lái, cùng bí quyết công nghệ.

Tuy vậy, hạn chế của Nhật Bản đối với việc xuất khẩu vũ khí vẫn còn.

Tokyo đã sửa đổi hướng dẫn thực hiện ba nguyên tắc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng vào tháng 3/2024. Mặc dù các sửa đổi đã mở đường cho việc chuyển giao máy bay phản lực đến nước thứ ba, nhưng xuất khẩu chỉ giới hạn ở các quốc gia mà Nhật Bản có thỏa thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng.

Danh sách hiện gồm 15 nước, như Hoa Kỳ, các cường quốc lớn ở châu Âu, Úc và Ấn Độ.

Ả Rập Saudi được cho cũng quan tâm đến việc tham gia phát triển máy bay chiến đấu. Thêm nhiều nước tham gia, có thể tăng cường khả năng răn đe, thì Nhật Bản lại bị hạn chế về số lượng quốc gia có thể hợp tác.

Thủ tướng Fumio Kishida hồi tháng 3/2024 cho biết, cần dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo sang nước thứ ba. Ông nói: “Lợi ích quốc gia của Nhật Bản, là đảm bảo vị thế có thể đóng góp bình đẳng như Anh và Ý”.

Bình luận