Chính sách này bắt đầu được thực hiện từ ngày 1/12 tới theo luật nhập cư sửa đổi.
Hệ thống luật mới của Nhật Bản được thiết kế để cho phép phê duyệt nơi cư trú cho các cá nhân từ vùng xung đột “có hoàn cảnh không phù hợp với các yêu cầu về phê duyệt người tị nạn”. Đồng thời, cung cấp cho người di tản tình trạng cư trú ổn định ở Nhật Bản ngang bằng với những người được pháp luật công nhận là người tị nạn.
Công ước của Liên Hợp Quốc về người tị nạn năm 1951 (Nhật Bản là một bên ký kết công ước) định nghĩa, người tị nạn là "người không thể hoặc không muốn quay trở lại quê hương của họ do nỗi sợ hãi có căn cứ về việc bị bức hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm xã hội cụ thể, hoặc quan điểm chính trị".
Công ước bắt buộc các quốc gia thành viên phải bảo vệ người tị nạn, nhưng những người sơ tán khỏi Ukraine và những người di tản tương tự không đáp ứng các tiêu chí này. Do đó, Nhật Bản đã đưa ra một chính sách riêng.
Công dân Ukraine muốn thoát khỏi cuộc xung đột đang diễn ra được coi là đối tượng chính của hệ thống mới này, nhưng những người xin tị nạn từ Syria, Afghanistan và các quốc gia bị chiến tranh tàn phá khác trên thế giới cũng có thể sẽ được hưởng lợi từ hệ thống mới sau quá trình sàng lọc.
Dữ liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho thấy, vào năm 2022, tổng cộng 3.772 người nộp đơn xin quy chế tị nạn, nhưng chỉ có 202 người được công nhận là người tị nạn hợp pháp; 1.760 người nộp đơn, tương ứng với 46% tổng số người nộp đơn, được cấp quy chế cư trú vì lý do nhân đạo.
Những người Ukraine xin ‘tị nạn’ không được tính vào số liệu này vì họ được phân loại là người di tản chứ không phải người tị nạn.
Tính đến thứ sáu tuần trước, đã có 2.506 người Ukraine đã vào Nhật Bản kể từ tháng 3/2022 và 2.091 người vẫn cư trú tại Nhật theo thị thực "hoạt động được chỉ định" trong một năm. Giấy phép lưu trú của họ ở Nhật Bản được cấp theo quyết định của Bộ trưởng Tư pháp.