Hiện nay, trong khi nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, Nhật Bản vẫn quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia để ngăn chặn sự lây lan vẫn còn tiềm ẩn của đại dịch Covid-19, đồng thời tránh để hệ thống y tế của nước này trở nên quá tải khi đây là dịch bệnh có tốc độ lây nhiễm vô cùng nhanh chóng.
Mặc dù Nhật Bản chưa được xem là một ổ dịch lớn nếu so với một số điểm nóng khác trên thế giới, số ca nhiễm tại đất nước Mặt trời mọc hiện tại vẫn lên đến hơn 15.000 ca và 538 người đã tử vong, theo kênh truyền hình quốc gia NHK.
Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura ngày thứ Hai 4/5 đã thông báo cho Ủy ban Quốc hội về một cuộc họp của chính phủ đối với công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia đến cuối tháng này là một trong những nội dung chủ chốt của cuộc họp.
Theo NHK, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có mặt giải thích lý do của quyết định kéo dài này tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều ngày 4/5. Tình trạng khẩn cấp quốc gia theo lịch trình cũ sẽ kết thúc vào thứ Tư tuần này, ngày 6/5.
Bên cạnh đó, chính phủ có thể cũng sẽ nới lỏng một số hạn chế về hoạt động kinh tế bằng cách cho phép các công viên mở cửa trở lại, thậm chí tại cả những địa phương có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters
Một khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, chính quyền tại các địa phương sẽ yêu cầu người dân ở trong nhà và các doanh nghiệp sẽ đóng cửa ngừng hoạt động. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở mức độ yêu cầu và luật pháp ở Nhật Bản hiện không có quy định về xử phạt đối với các trường hợp không tuân thủ.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu và đất nước có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới như Nhật Bản cũng không nằm ngoài vòng suy thoái. Nhiều ý kiến được đưa ra kêu gọi chính phủ hãy tiếp tục triển khai thêm các gói hỗ trợ kinh tế. Tuần trước, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua ngân sách tăng thêm góp vào gói hỗ trợ kinh tế trị giá kỷ lục lên đến 1,1 nghìn tỷ USD cho đất nước này.