Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên trong 5 năm qua của ông Tập. Sự kiện này được cho là sẽ thể hiện sự chia rẽ của châu Âu trong quan hệ thương mại với Bắc Kinh và cách lục địa này định vị mình giữa sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc.
Trong chuyến công du từ ngày 5 - 10/5 sắp tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Pháp, Serbia và Hungary, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang dọa áp thuế đối với ngành công nghiệp xe điện và năng lượng xanh của Trung Quốc vì cho rằng ở ngành này, các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc được hưởng khoản trợ cấp lớn từ Chính phủ và điều đó là không công bằng với các doanh nghiệp từ nước ngoài.
Khi nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải những cơn gió ngược và Mỹ đóng cửa với các công ty Trung Quốc, EU có thể có một số quyền mặc cả với Bắc Kinh. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng 27 thành viên EU không thống nhất về quan điểm, nên khó có thể có chính sách mạnh mẽ với Trung Quốc.
Theo Reuters, các mối lo ngại của châu Âu về sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với nền kinh tế Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra ở Ukraine trong hơn 2 năm qua.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết chuyến đi của ông Tập sẽ “mang lại ổn định cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - châu Âu và tạo ra những đóng góp mới cho hòa bình và ổn định trên thế giới”.
Trong khi đó, ông Mathieu Duchatel, thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn quốc tế Institut Montaigne, cho rằng mục tiêu của ông Tập sẽ tập trung vào chương trình an ninh kinh tế của EU, bao gồm các vấn đề về tăng thuế, bằng cách tận dụng những khác biệt trong nội bộ EU.
Về chiến lược của Trung Quốc đối với EU, ông Duchatel nhận định: “Có yếu tố chia để trị rất mạnh mẽ. Điều này không bị che giấu mà ngược lại được thể hiện rất rõ.”
Các công ty và chính phủ châu Âu từ lâu đã phàn nàn về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và bị hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc. Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Kiel (Đức) ước tính trợ cấp của Trung Quốc dành cho các công ty nội địa của mình cao hơn từ 3 đến 9 lần so với các nền kinh tế lớn khác.
Theo quy định ở châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) có quyền quyết định chính sách thương mại cho toàn khối, nhưng các quốc gia thành viên hay mâu thuẫn về cách khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại có lập trường tích cực hơn về vấn đề trợ cấp, cảnh báo EU có thể bị tụt lại nếu không cho phép miễn trừ áp dụng các quy tắc cạnh tranh của chính mình trước tình trạng “trợ cấp quá mức” của Trung Quốc và Mỹ.
“Chúng ta ra quy định và quản lý quá nhiều, nhưng lại không đầu tư đủ và không bảo vệ đủ”, tờ The Economist trích lời của Tổng thống Macron trong cuộc phỏng vấn đăng tải ngày 2/5.
Hồi tháng 4 năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho phép các công ty Đức tiếp cận thị trường tỷ dân này nhiều hơn. Tuy nhiên, về các cuộc điều tra về chống trợ cấp của EU, ông Scholz nói khối không nên hành động vì lợi ích bảo hộ của mình dù cạnh tranh phải công bằng. Phát biểu này rõ ràng nhằm tránh gây khó chịu cho Bắc Kinh, theo Reuters.
Một số quan chức Chính phủ Pháp lo ngại Berlin sẽ gây khó cho cuộc điều tra về xe điện, vốn nhắm vào các hãng xe Trung Quốc như BYD, Geely và SAIC. Đối với nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu như Đức, đặc biệt là các nhà sản xuất xe hơi hàng đầu như BMW và Mercedez-Benz, thì Trung Quốc luôn là thị trường trọng điểm.
Noah Barkin, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Rhodium và là người theo sát mối quan hệ EU-Trung Quốc, cho biết trong dịp ông Tập đến châu Âu lần này, Tổng thống Pháp Macron sẽ khuyến khích Thủ tướng Đức Scholz tham gia cùng ông và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc đàm phán 4 bên với lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc diễn ra tại Paris.
Điện Elysee hiện từ chối đưa ra bình luận về phát biểu trên của ông Barkin.
“Đã xuất hiện khoảng cách đáng lo ngại giữa một bên là lập trường của Đức đối với Trung Quốc, và một bên là lập trường của Pháp và Ủy ban châu Âu. Đơn giản là Paris và Brussels mong muốn kìm hãm Bắc Kinh trong vấn đề thương mại, nhưng Berlin thì không”, ông Barkin nhận định.
Đối với Serbia và Hungary, nhiều ý kiến cho rằng việc ông Tập lựa chọn đến thăm 2 quốc gia này là nhằm đưa hai nước lại gần nhau hơn. Hai quốc gia này đều thân thiết với Nga và nhận nhiều đầu tư lớn của Trung Quốc, trong đó có khoản cung cấp tài chính cho dự án đường sắt nối thủ đô của hai nước.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết, ông rất vinh dự được đón Chủ tịch Tập và kỳ vọng vào hiệp định thương mại tự do mà hai nước ký vào tháng 10 năm ngoái và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 năm nay.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, ông Tập sẽ nhân chuyến đi đến Belgrade - dự kiến diễn ra đúng vào dịp tưởng niệm 20 năm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ném bom Đại sứ quán Trung Quốc ở đó - để nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh về NATO.