Nhiều người thiệt mạng vì lũ lụt nghiêm trọng ở CHDC Congo

(VOH) - Ngày 13/12, lũ lụt do mưa lớn đã quét qua nhiều khu vực ở thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, làm 9 người trong một gia đình thiệt mạng.

Lũ lụt do mưa lớn kéo dài đã quét qua nhiều khu vực ở thủ đô Kinshasa của CHDC Congo làm 9 người trong một gia đình thiệt mạng và nhấn chìm nhiều tuyến đường quan trọng.

Nhiều con đường chính ở khu vực trung tâm thủ đô Kinshasa đã bị chìm trong nước lũ.

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một trận lở đất ở quận Mont-Ngafula có địa hình đồi núi đã cắt đứt Quốc lộ 1 - tuyến đường cung ứng quan trọng nối thủ đô với cảng Matadi ở Đại Tây Dương.

Lũ lụt cũng làm ngập các đường phố ở quận Gombe, nơi đặt trụ sở các cơ quan chính phủ và đại sứ quán.

Tại quận Binza Delvaux, mưa lũ làm sập 1 ngôi nhà khiến 9 thành viên trong gia đình thiệt mạng. Mont-Ngafula là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt.

Các quan chức cảnh báo tình trạng thời tiết có thể tiếp tục diễn biến xấu hơn từ nay tới cuối tháng 12, do đó, người dân trong các khu vực bị lũ lụt cần chuẩn bị phương án di dời và sơ tán ngay khi được yêu cầu.

Nhiều người thiệt mạng vì lũ lụt nghiêm trọng ở Cộng hòa Dân chủ Congo
Một con đường ở thủ đô Kinshasa bị ngập do mưa lũ. Ảnh: Reuters

Năm 2019, lũ lụt nghiêm trọng kéo dài suốt nhiều tháng cũng đã gây lở đất ở CHDC Congo, khiến nhiều con sông vỡ bờ và gây ngập lụt trên diện rộng ở miền Bắc nước này, cướp đi sinh mạng của hơn 40 người, khiến 150.000 người bị mất nhà ở, phá hủy các cánh đồng và cuốn trôi nhiều gia súc.

Trước đó, Liên Hiệp Quốc đã ra cảnh báo về hiện tượng La Nina kéo dài bất thường khiến hạn hán và lũ lụt ở các khu vực trên toàn thế giới sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Theo LHQ, hiện tượng này có khả năng tiếp diễn đến tháng 2 hoặc thậm chí tháng 3/2023.

Thông thường, La Nina thường làm một số khu vực trên thế giới có điều kiện ẩm ướt hơn trong khi một số khu vực khác lại trở nên khô hạn. Cộng đồng quốc tế hiện đặc biệt lo ngại vì tình trạng hạn hán kéo dài và gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây ở vùng Sừng châu Phi có thể dẫn tới thảm họa nhân đạo, đe dọa hàng triệu người dân trong khu vực.