Quốc hội Nicaragua ngày 8/5 thông qua chương trình cải cách các điều luật liên quan dự án kênh đào nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Nước này cũng hủy Đạo luật 840, được thông qua vào năm 2012 nhằm trao quyền cho doanh nhân Trung Quốc Wang Jing đầu tư, xây dựng và quản lý kênh đào trong 50 năm kèm điều khoản gia hạn thêm 50 năm.
Kể từ khi cuộc “động thổ” mang tính biểu tượng thực hiện vào năm 2014, đến nay vẫn chưa có công trình nào được thực hiện trên con kênh nối bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương ở Nicaragua. Có thời điểm, nhà thầu đã động thổ đường vào gần kênh nhưng việc đào kênh thực sự chưa từng được bắt đầu.
Con kênh dự kiến sẽ chia đôi Hồ Nicaragua - hồ lớn nhất Trung Mỹ - và buộc khoảng 120.000 người phải di dời, bao gồm cả cộng đồng dân cư Rama và Creole khỏi các vùng lãnh thổ bản địa được bảo tồn.
Đây được cho là một trong những dự án xây dựng và kỹ thuật dân dụng lớn nhất thế giới, lấn át kênh đào Panama, đồng thời sẽ phá hủy nguồn dự trữ nước ngọt quan trọng nhất của đất nước và phá hủy các không gian tự nhiên được bảo vệ, nơi sinh sống của 22 loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Việc nhượng quyền kênh đào có thời hạn 50 năm được cấp cho Công ty Đầu tư Phát triển Kênh HK Nicaragua có trụ sở tại Hồng Kông, thuộc sở hữu của doanh nhân Trung Quốc Wang Jing.
Trước khi giành được gói thầu, ông Wang không có kinh nghiệm về xây dựng dân dụng và đã gây dựng cơ nghiệp trong lĩnh vực viễn thông. Phần lớn tài sản đó đã bị xóa sổ trong cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015, khi ông đã mất tới 85% tài sản của mình.
Con kênh “tai tiếng” trị giá 50 tỷ USD, dài 278km được đề xuất đào xuyên quốc gia Trung Mỹ này từ lâu đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân và các chuyên gia.
Chính phủ Tổng thống Daniel Ortega tuyên bố kênh đào sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm và kích thích nền kinh tế. Nhưng các chuyên gia cho rằng, nó gây ra những rủi ro nghiêm trọng về môi trường, khiến hàng nghìn gia đình ở nông thôn phải di dời và không khả thi về mặt tài chính.
Sự tức giận đối với kế hoạch này là yếu tố khiến công chúng ngày càng bất mãn với chính phủ ông Ortega, dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm 2018 kéo theo sự đàn áp bạo lực của chính quyền.