Nông dân châu Âu cảnh báo sẽ tiếp tục gây áp lực nếu không siết nhập khẩu nông sản từ Ukraine

VOH - Hiệp hội nông dân châu Âu cùng một số tổ chức đã lên tiếng phản đối các đề xuất kiểm soát nhập khẩu nông sản Ukraine, cho rằng như vậy là chưa đủ chặt chẽ.

Ngày 15/2, Hiệp hội Nông dân châu Âu (Copa-Cogeca) cùng 5 tổ chức đại diện cho các lĩnh vực đã lên tiếng phản đối các đề xuất kiểm soát nhập khẩu nông sản Ukraine, cho rằng như vậy là chưa đủ và cảnh báo tiếp tục biểu tình nếu Liên minh châu Âu (EU) không áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn.

Nông dân châu Âu cảnh báo sẽ tiếp tục gây áp lực nếu không siết chặt nhập khẩu nông sản từ Ukraine 1
Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng gần Kramatorsk, Ukraine ngày 4/8/2023 - Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban châu Âu (EC) vào cuối tháng 1/2024 đã đề xuất gia hạn miễn thuế 1 năm đối với nông sản nhập khẩu từ Ukraine, áp dụng từ tháng 6/2024. Quy định này đã được áp dụng từ năm 2022 sau khi bùng phát xung đột tại Ukraine.

Gần đây, EU tiếp tục đề xuất nhiều biện pháp bảo vệ ngành nông nghiệp của khối, có thể áp dụng trong trường hợp "đặc biệt cần thiết" như giới hạn việc nhập khẩu miễn thuế các mặt hàng như thịt gia cầm, trứng và đường ở mức trung bình của năm 2022-2023.

Các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) đang xem xét các đề xuất này.

Tuy nhiên, Copa-Cogeca bác bỏ và cho rằng các đề xuất này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến của các ngành gia cầm, trứng, đường, ngũ cốc và mật ong của khối.

Nhóm đại diện nông dân EU cho rằng việc giới hạn nhập khẩu đối với 3 sản phẩm bằng với mức nhập của năm ngoái là chưa đủ, vì “giới hạn này chính là nguyên nhân đẩy các nhà sản xuất EU vào tình trạng khó khăn”, trong khi EU không có kế hoạch hạn chế nào đối với ngũ cốc và mật ong. Họ cũng cho rằng các sản phẩm nhập khẩu từ Ukraine không phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và xã hội cao hơn của EU.

Tuyên bố chung của hiệp hội nêu rõ: “Nông dân ở Romania, Bulgaria, Ba Lan, Hungary và Slovakia đang phải bán các sản phẩm của mình với giá thấp hơn khoảng 40% so với giá thị trường tiêu chuẩn và hàng ngàn trang trại đang đối mặt với nguy cơ phá sản”. Các nhà sản xuất ngũ cốc, gia cầm và đường ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức và Áo cũng bắt đầu chịu “áp lực đáng kể”.

Nông dân tại châu Âu bắt đầu biểu tình liên tục từ tháng 1/2024 để yêu cầu EU kiểm soát tốt hơn sự cạnh tranh thiếu công bằng của nông sản từ Ukraine.

Bình luận