Bà Mohammadi (51 tuổi), bị kết án hơn 30 năm tù và bị cấm gặp chồng con. Tên của bà gắn liền với cuộc chiến vì nhân quyền ở Iran, nơi các cuộc biểu tình trên toàn quốc nổ ra vào năm ngoái sau cái chết của Mahsa Amini - một phụ nữ 22 tuổi bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vì không tuân thủ các quy định về khăn trùm đầu.
Khi trao giải cho Mohammadi, Ủy ban Nobel cho biết, họ “công nhận hàng trăm nghìn người trong năm trước đã biểu tình chống lại chính sách phân biệt đối xử và áp bức nhắm vào phụ nữ của chế độ thần quyền”.
“Cuộc đấu tranh dũng cảm của bà ấy đã phải trả giá bằng những tổn thất cá nhân to lớn. Tổng cộng, chế độ này đã bắt giữ bà 13 lần, kết án bà 5 lần và kết án bà tổng cộng 31 năm tù và 154 roi” - Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen cho biết tại lễ công bố.
"Mohammadi vẫn đang ở trong tù khi tôi phát biểu” - bà Reiss-Andersen nói thêm.
Bà Mohammadi cho biết, bà sẽ tiếp tục phấn đấu vì “dân chủ, tự do và bình đẳng” trong một thông điệp được gia đình bà chia sẻ với CNN hôm 4/10 – nội dung này được công bố trong trường hợp bà giành được trao giải.
Hiện, không rõ bà Mohammadi có biết về ‘chiến thắng’ của mình hay không. Bạn bè và gia đình của bà nói với CNN rằng, những người bị giam giữ trong Nhà tù Evin khét tiếng của Iran không được phép nhận cuộc gọi vào các ngày thứ Năm và thứ Sáu.
Trong tuyên bố trước đó, bà Mohammadi cho biết, bà sẽ ở lại Iran để tiếp tục hoạt động của mình “ngay cả khi phải dành phần đời còn lại trong tù”.
Bà nói: “Sát cánh bên cạnh những người mẹ dũng cảm của Iran, tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại sự phân biệt đối xử, chuyên chế và áp bức về giới không ngừng nghỉ của chính phủ tôn giáo cho đến khi giải phóng phụ nữ”.
Ông Taghi Rahmani, chồng của bà Mohammadi, nói với CNN rằng, giải thưởng này “dành cho tất cả người dân Iran”.
Ông Rahmani cũng nhà một nhà hoạt động và là cựu tù nhân chính trị. Ông đã phải ngồi tù tổng cộng 14 năm trong nhà tù của chế độ, sống lưu vong ở Pháp cùng với hai đứa con song sinh của họ.
Gia đình Mohammadi cho biết: “Mặc dù những năm tháng vắng mặt của bà ấy không bao giờ có thể bù đắp được cho chúng tôi, nhưng thực tế - những nỗ lực của Narges được ghi nhận là nguồn an ủi cho nỗi đau khổ khôn tả của chúng tôi.
Đã hơn 8 năm rưỡi bà ấy không được gặp các con và hơn một năm nay bà không nghe thấy giọng nói của chúng. Tất cả những điều này thể hiện những gì bà đã phải chịu đựng trên con đường hiện thực hóa khát vọng của mình.
Vì vậy, đối với chúng tôi, Giải Nobel Hòa bình sẽ giúp bà ấy đạt được mục tiêu của mình. Ngày hôm nay là một ngày may mắn” – gia đình bà chia sẻ.
Mohammadi là một trong 351 ứng cử viên cho giải thưởng năm nay - con số cao thứ hai trong lịch sử giải Nobel. Bà trở thành người phụ nữ thứ 19 giành được giải thưởng này trong hơn 120 năm giải thưởng.
Bà Mohammadi đã học lấy bằng vật lý tại Đại học Quốc tế Imam Khomeini vào những năm 1990. Ban đầu bà làm kỹ sư và viết bài cho các tờ báo theo chủ nghĩa cải cách của Iran.
Năm 2003, bà gia nhập Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền ở Iran, một tổ chức được thành lập bởi người đoạt giải Nobel Hòa bình Shirin Ebadi.
Bà Mohammadi bị bắt lần đầu tiên vào năm 2011 và bị kết án một phần vì bà là thành viên của Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền.
Sau khi được tại ngoại hai năm sau đó, bà Mohammadi bắt đầu vận động chống lại việc sử dụng án tử hình. Ủy ban thừa nhận: “Iran từ lâu đã nằm trong số những quốc gia xử tử tỷ lệ công dân của họ hàng năm cao nhất”. Kể từ tháng 1 năm ngoái, hơn 860 tù nhân đã bị kết án tử hình ở nước này.
Bà Mohammadi bị bắt và bị kết án lần nữa vào năm 2015 vì hoạt động chống lại hình phạt tử hình nhưng hoạt động đấu tranh của bà vẫn tiếp tục từ trong nhà tù Evin, khi bà bắt đầu phản đối những hành vi vi phạm nhân quyền đối với các tù nhân chính trị…