Nước Anh tiếp tục “lạc lối”

(VOH) - Đêm 13/3 theo giờ Việt Nam, với 312 phiếu chống và 308 phiếu thuận, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu loại phương án Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận.

Động thái này đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ phải đứng trước lựa chọn lùi thời hạn Brexit. Trước đó, ngày 12/3, Quốc hội Anh lần thứ 2 cũng đã bỏ phiếu bác bỏ Thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh đã nhất trí với Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh chỉ còn hơn 10 ngày nữa đến thời hạn Anh rời khỏi EU, nước Anh đang rơi vào “ngõ cụt” với những bế tắc trong vấn đề Brexit. 

Trong cuộc bỏ phiếu đêm 13/3, các nghị sĩ Anh cũng đã bỏ phiếu phản đối điều khoản sửa đổi cho phép Chính phủ Anh tiếp tục theo đuổi kịch bản Brexit không thỏa thuận vào ngày 22/5. Phát biểu tại Quốc hội sau phiên bỏ phiếu thứ hai liên tiếp chỉ trong 2 ngày, Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo nước Anh sẽ phải đối mặt với việc trì hoãn Brexit dài ngày nếu như các nghị sĩ vẫn không ủng hộ thỏa thuận của bà.

Theo lộ trình vạch sẵn, nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới, trừ phi Chính phủ của Thủ tướng May đạt được một kế hoạch khác với EU. Trong khi đó, tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU yêu cầu London có “câu trả lời rõ ràng” về việc có trì hoãn tiến trình Brexit hay không. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, cho rằng Anh cần phải làm rõ lý do và mục đích kéo dài thời hạn Brexit, đồng thời khẳng định rằng EU sẽ không đưa ra thêm bất kỳ đề xuất nào với Anh, ngoại trừ thỏa thuận đã đạt được trước đó.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định các lựa chọn cho Brexit đang ngày một ít dần. Giới phân tích nhận định thất bại lần thứ hai của bà May trong kế hoạch Brexit đã khiến tương lai nước Anh càng mù mờ hơn khi chỉ còn 16 ngày nữa là đến thời điểm Anh chính thức rời EU. Hiện chỉ còn ba lựa chọn: một là Anh sẽ ra đi không thỏa thuận, hai là hoãn Brexit, và ba là tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về Brexit.

Sau cuộc bỏ phiếu tiếp theo tại Hạ viện Anh ngày 13/3, ở thời điểm này, EU đang xác định các bước đi tiếp theo. Bà Merkel nhấn mạnh nước Anh có nhiệm vụ phải tìm ra một giải pháp để thỏa hiệp với EU để thoát khỏi bế tắc. 

Brexit

Ảnh minh họa

Hiện, ở nước Anh vẫn chia rẽ bởi nhiều luồng quan điểm. Những người ủng hộ Anh rời EU coi thỏa thuận Brexit là sự thỏa hiệp chủ quyền của nước Anh, Liên minh hải quan sẽ ngăn cản nước Anh ký các thỏa thuận thương mại toàn diện. Bắc Ireland sẽ bị gắn chặt với các quy định của EU hơn là các vùng khác thuộc Vương quốc Anh. Điều này khiến đảng Dân chủ Hợp nhất (DUP) của vùng Bắc Ireland tức giận. Tại cuộc bỏ phiếu lần hai ở hạ viện, cả 10 nghị sĩ của Ireland, đảng thường ủng hộ Chính phủ Anh, đã bỏ phiếu chống. Có 75 nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền cũng bỏ phiếu phản đối thỏa thuận sửa đổi của Thủ tướng Mây, cùng với đa số nghị sĩ các đảng nhỏ còn lại. 

Các nghị sĩ phản đối thỏa thuận Brexit sửa đổi của Thủ tướng May cho rằng thỏa thuận lần này vẫn để cho EU có tiếng nói quá nhiều đối với các điều luật của Anh, mà những người dân Anh tại cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đã bỏ phiếu rời EU vì không chấp nhận điều này. Một số nghị sĩ Bảo thủ thuộc nhóm "chống đến cùng" thỏa thuận của Thủ tướng May thậm chí còn tuyên bố họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc giữ "Brexit không thỏa thuận" như một lựa chọn đặt trên bàn đàm phán, với lập luận rằng nếu bỏ phương án này thì mọi đòn bẩy sức mạnh tại các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ rơi vào tay EU. Nghị sĩ Công đảng, Thị trưởng London Sadiq Khan, tuyên bố Thủ tướng May cần đặt thành phố London và nước Anh lên trên hết, và rút lại điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon, đồng thời kêu gọi hãy để người dân Anh có tiếng nói cuối cùng về vấn đề này.

         Bên cạnh đó, kết quả thất bại nặng nề trong 2 cuộc bỏ phiếu mới nhất ngày và đêm 13/3 tại Quốc hội cùng sự phản đối mạnh mẽ đối với kịch bản Brexit không thỏa thuận có thể sẽ thúc đẩy yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 ở Anh. Hiện nay số nghị sĩ kêu gọi "cuộc bỏ phiếu của người dân" vẫn là thiểu số và lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn gần đây đã đưa ra ủng hộ có điều kiện với ý tưởng này. Tuy vậy, vẫn có thể có một biến số - để ủng hộ thỏa thuận của Thủ tướng May, thỏa thuận này sẽ được đưa ra để trưng cầu ý dân, và lúc đó việc ở lại trong EU sẽ được coi là một lựa chọn khác. Một thực tế đáng nói nữa là ngày càng gia tăng số nghị sĩ Bảo thủ đề xuất Thủ tướng May nên từ chức, với hy vọng người kế nhiệm bà May sẽ cứng rắn, mạnh mẽ hơn nữa trong các cuộc đàm phán quan trọng quyết định vị thế thực sự của nước Anh trên bản đồ kinh tế và chính trị tại châu Âu cũng như trên thế giới khi Anh không còn là thành viên EU.   

Một khả năng khác được tính đến là việc gia hạn thời điểm Anh ra khỏi EU. Cũng có ý kiến cho rằng nước Anh nên rời khỏi EU vào tháng 5 hoặc tháng 6 có thể là kết quả nhiều khả năng nhất, trong bối cảnh nhiều nghị sĩ khẳng định sẽ phản đối Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên để gia hạn thời điểm Anh ra khỏi EU cũng vẫn cần sự chấp nhận của lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu. Ông Alex de Ruyter - chuyên gia nghiên cứu vấn đề Brexit của Trường đại học Birmingham tại Anh nhận định, không có đảm bảo chắc chắn rằng EU sẽ ủng hộ việc gia hạn. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vừa cho biết, bất cứ yêu cầu nào từ chính phủ Anh trì hoãn việc ra khỏi EU cũng cần phải nhận được những giải thích hợp lí và đáng tin cậy. Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu dự kiến diễn ra tại Bruxelles, Bỉ vào tuần tới với khả năng yêu cầu gia hạn Brexit của Anh sẽ được đưa ra thảo luận.

Những ngày sắp tới sẽ chứng kiến tiến trình Brexit bế tắc, nước Anh tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị mới cùng những chia rẽ nội bộ ngày càng trở nên sâu sắc và trầm trọng hơn. Với tình cảnh này, dường như nước Anh càng cố tìm lối thoát càng bị chìm sâu vào các cuộc tranh cãi không nhân nhượng, kéo dài lê thê để rồi lạc lối khi tìm đường ra.