Nước súc miệng cháy hàng tại Nhật Bản và lời cảnh báo từ chuyên gia

(VOH) - Sau khẩu trang thì nay đến lượt nước súc miệng cháy hàng tại Nhật Bản, sau khi chính quyền tỉnh Osaka cho biết mặt hàng này có hiệu quả trong việc chống lại Sars-CoV-2.

Các siêu thị, nhà thuốc, cửa hàng tại Nhật Bản đều đang đồng loạt hết sạch mặt hàng nước súc miệng và các loại dung dịch diệt khuẩn miệng. Tình hình này được xem là y hệt những gì từng diễn ra tại thời điểm mới bùng phát dịch Covid-19, khi khẩu trang là mặt hàng vô cùng khan hiếm và “cháy hàng trên mọi mặt trận.”

Trên mạng xã hội Twitter, hàng trăm ngàn người dùng đã đăng tải ảnh chụp một loạt các kệ hàng trống không vì hết sạch nước súc miệng cùng lời thông báo “Hết hàng”. Nhiều người cho biết họ đã tìm mua nước súc miệng rất nhiều lần nhưng lần nào cũng thất bại.

Nhu cầu tìm mua nước súc miệng và các loại dung dịch sát khuẩn họng được cho là bắt nguồn sau khi Thống đốc tỉnh Osaka - ông Hirofumi Yoshimura ngày 4/8 cho biết kết quả từ một nghiên cứu do bệnh viện Osaka công bố cho thấy, tải lượng virus Sars-CoV-2 trong nước bọt của 41 bệnh nhân nhiễm Covid-19 thể nhẹ đã có sự sụt giảm sau khi súc miệng thường xuyên với dung dịch sát khuẩn có chứa povidone-iodine.

Ông Yoshimura cũng cho rằng “việc con người có thể vượt qua Covid-19 bằng nước súc miệng là điều hoàn toàn khả thi”.

Sau lời phát biểu của Thống đốc tỉnh Osaka, nước súc miệng đã nhanh chóng cháy hàng khắp các nhà thuốc, và giá trị cổ phiếu của Meji Holdings - công ty chuyên cung cấp các loại nước sát khuẩn họng trên thị trường Nhật Bản với tên gọi Isojin - đã tăng lên đến 7,7% chỉ trong cùng ngày.

Nước súc miệng cháy hàng tại Nhật Bản, chuyên gia đưa ra cảnh báo

Thống đốc tỉnh Osaka - Hirofumi Yoshimura trong buổi họp báo khuyên người dân nên sử dụng nước súc miệng nhằm ngăn chặn Sars-CoV-2. Ảnh: Japan Today

Nước súc miệng cháy hàng tại Nhật Bản, chuyên gia đưa ra cảnh báo

Các loại nước súc miệng và dung dịch sát khuẩn họng đồng loạt cháy hàng tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Dịch Covid-19 đã lấy đi sinh mạng của gần 700.000 người trên toàn thế giới và hiện nay số người nhiễm bệnh đã vượt mốc 18 triệu người. Đây không chỉ là cuộc chiến của ngành y tế mà còn là sự khủng hoảng kinh tế - xã hội của hàng loạt các quốc gia trên toàn cầu.

Trong tình hình chính phủ các nước đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, thì bất kỳ phương thức chữa bệnh nào được khuyến cáo từ những người có thẩm quyền luôn mang đến tia hy vọng cho mọi người.

Trước Thống đốc Osaka, người đứng đầu Nhà Trắng Donald Trump cũng đã thường xuyên khuyến khích sử dụng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine để điều trị Covid-19. Tuy nhiên, cho đến nay phương pháp này vẫn chưa được công nhận là phương pháp điều trị thành công Covid-19. Ngoài ra, Trump còn từng cho rằng tiêm thuốc khử trùng vào cơ thể có thể giúp ích cho việc xử lý dịch bệnh Covid-19.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản - Yoshihide Suga cho biết ông sẽ lưu ý đến đề nghị của Thống đốc tỉnh Osaka, đồng thời cho biết chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ việc phát triển cũng như kết quả của các nghiên cứu từ tỉnh Osaka.

Nước súc miệng cháy hàng tại Nhật Bản, chuyên gia đưa ra cảnh báo

Nhật Bản để ngỏ về khả năng tái ban bố tình trạng khẩn cấp nếu số ca nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục tăng. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ngoài những ảnh hưởng về thị trường khi cung cầu chênh lệch, thì khuyến cáo sử dụng nước sát khuẩn miệng như một phương thức nhằm ngăn chặn Sars-CoV-2 cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.

Nhà nghiên cứu dược học Shuichi Aoshima cho rằng việc lạm dụng các loại nước súc miệng và nước sát khuẩn họng có thể dẫn đến việc cho ra kết quả xét nghiệm PCR sai, cụ thể là các trường hợp âm tính giả sẽ gia tăng. Ông cho rằng nếu thực hiện xét nghiệm sau khi súc miệng thì sẽ làm giảm mật độ của virus tại thời điểm đó.

“Điều này giống như bạn nhỏ trực tiếp chất povidone-iodine lên mẫu virus vậy. Một số virus lúc đó sẽ chết nhưng không có nghĩa là bạn âm tính và không mắc bệnh”, Aoshima nói.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/8, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết, chính quyền các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch lây lan. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng nhanh thì chính phủ có thể lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Tính đến hết ngày 4/8, Nhật Bản báo cáo thêm 1.239 ca nhiễm Covid-19 mới. Cả nước có tổng cộng hơn 41.000 ca nhiễm bệnh, trong đó 1.035 trường hợp tử vong. Tokyo tiếp tục là ổ dịch lớn nhất với 309 ca nhiễm mới, số người nhiễm bệnh chiếm hơn 1/3 của cả nước.