Ngày 10/7, Văn phòng Thủ tướng Shehbaz Sharif cho biết, những người tị nạn Afghanistan tại Pakistan có Thẻ chứng nhận đăng ký (POR) sẽ có thể ở lại nước này cho đến ngày 30/6/2025.
Tin tức về việc gia hạn được đưa ra một ngày sau khi Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đến thăm Afghanistan và kêu gọi Pakistan gia hạn thời gian lưu trú cho những người tị nạn Afghanistan.
Người phát ngôn Mumtaz Baloch trả lời CNN hôm 11/7 rằng: "Kế hoạch hồi hương người nước ngoài bất hợp pháp vẫn có hiệu lực và đang được triển khai theo cách có trật tự và theo từng giai đoạn".
Pakistan là nơi có một trong những cộng đồng người tị nạn lớn nhất thế giới – hầu hết là từ Afghanistan. Nhưng đất nước này không phải lúc nào cũng chào đón người tị nạn Afghanistan - khiến những người này phải chịu điều kiện sống khắc nghiệt và đe dọa trục xuất trong nhiều năm.
Theo dữ liệu của UNHCR, tính đến tháng 3/2024, có hơn 3 triệu người tị nạn Afghanistan, bao gồm cả những người tị nạn đã đăng ký và hơn 800.000 người không có giấy tờ đang sinh sống tại Pakistan.
Một số người đã chạy trốn khỏi quê hương cách đây nhiều thập kỷ, trong khi những người Afghanistan khác tìm nơi ẩn náu ở Pakistan khi Taliban chiếm lại Afghanistan vào năm 2021 và thực hiện chế độ cai trị áp bức của mình.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc mới được công bố đã nêu chi tiết các hành vi vi phạm nhân quyền của lực lượng được gọi là cảnh sát đạo đức của Taliban - những kẻ nhắm mục tiêu chủ yếu vào phụ nữ và trẻ em gái - tạo ra "bầu không khí sợ hãi và đe dọa" ở Afghanistan.
Tháng 10 năm ngoái, Pakistan đã cho những người Afghanistan không có giấy tờ tùy thân vài tuần để rời đi hoặc đối mặt với việc bị trục xuất.
Theo UNHCR , từ ngày 15/9/2023 đến cuối tháng 6 năm nay, khoảng 650.000 người Afghanistan đã trở về nhà . Khoảng 32.000 người trong số họ đã bị trục xuất.